Thứ Sáu, 07/06/2013 11:40

Tái cấu trúc DNNN: Không rõ trách nhiệm, kế hoạch đi về đâu?

Nên thành lập một cơ quan để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (Nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của Nhà nước; trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội.

Tái, tái, rồi tại tái…

Một chuyên gia về kinh tế đưa ra một câu hỏi với các học viên “Đề án Tái cấu trúc DN hiện tại, ai làm, làm như thế nào, ai chịu trách nhiệm và khi nào hoàn thành?” Cả lớp ồ lên tra khảo “anh Google”. Kết quả là không có câu trả lời.

Tái cơ cấu chủ yếu dựa vào nội lực của DN

Tái cấu trúc DN không phải là một cụm từ mới xuất hiện, cách đây 20 năm, nó đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong tư duy quản lý mới sau Đại hội Đảng lần VI. Tuy nhiên, đến thời điểm 1/7/2010, khi Luật DNNN hết hiệu lực, mục tiêu tổ chức sắp xếp lại DNNN đề ra đã không đạt được, tiến trình cổ phần hóa bị trì trệ. Hệ quả là nhiều DNNN được chuyển thành Công ty TNHH một thành viên cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Tiếp đó ngày 17/7/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp lại DNNN, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay so với 2 năm trước đây không mấy khác biệt.

Đề án và các văn bản này mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hoá và thoái vốn, bảo toàn vốn Nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên điểm cốt lõi nhất lại chưa thấy được đề cập, đó là việc áp đặt kỷ luật thị trường lên các thành phần này.

Đề án cũng không đặt ra lộ trình buộc phải công khai minh bạch và chưa tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực ngành nghề mà các DN này đang độc quyền hoặc chiếm vị thế thống lĩnh. Vấn đề tách bạch giữa chức năng sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành – nhân tố được xem là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém hiện nay của các DNNN cũng chưa có nhiều cải thiện. Ngay cả việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cũng rất chậm.

Báo cáo trước Quốc hội về tái cấu trúc DNNN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh thẳng thắn nói: “Thực sự chúng tôi thấy chậm. Sự vào cuộc của các địa phương, các ngành, các DN cũng còn chậm cho nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ thị về việc phân công triển khai từng nhiệm vụ, từng đề án cho các Bộ, ngành và các địa phương, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện các đề án này”. Tính đến tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 99/101 phương án tổng thể sắp xếp đổi mới DN của các Bộ, ngành và địa phương. Tính đến ngày 20/5 đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu.

Cây gậy và củ cà tốt

Theo giáo sư Douglas Coulter – Giám đốc điều hành quỹ Open Minds Foundation, nguyên giảng viên trường Đại học Harvard cho rằng: “DN chủ động tái cơ cấu sẽ đem lại hiệu quả cao và sẽ thất bại nếu không có điều kiện nào để đảm bảo cho việc thành công, hay chỉ thấy nguy cơ mới tiến hành tái cơ cấu trong vội vã”.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn GHC Vũ Hoài Bắc cũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu sẽ tiến hành chủ yếu dựa trên nội lực DN (với sự hỗ trợ tư vấn bên ngoài) và xuất phát từ nội bộ của DN, trên một tập hợp các vấn đề cụ thể, được hệ thống lại và nhận diện. Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp với DN, đặt trong môi trường hoạt động của DN và đặc trị DN.

Trong khi đó quản trị điều hành một tập đoàn chủ đạo kinh tế Nhà nước là một thách thức lớn bởi các mâu thuẫn tiềm ẩn giữa kinh nghiệm quốc tế về quản trị điều hành kinh doanh, hướng hiệu quả thị trường với các quy định quản trị điều hành của Chính phủ. Do vậy, việc tái cấu trúc đòi hỏi quyết đoán từ chính sách cùng các văn bản thể chế hóa đầy đủ, có tính đến quyền lợi pháp lý của tổ chức và cá nhân. “Tái cơ cấu cần đem lại những kết quả cụ thể chứ không chỉ là những bản báo cáo, hay những đề án ít mang tính hành động, triển khai”, ông Vũ Hoài Bắc nhấn mạnh.

ADB từng khuyến nghị: “Là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài, việc tái cơ cấu DNNN hiệu quả đòi hỏi sự hình thành các chính sách và khuôn khổ pháp lý toàn diện”. DNNN nên tập trung và bắt đầu từ những vấn đề cụ thể, tạo một khung hành động và lộ trình, bám sát vào các nội dung về chiến lược, tổ chức, quản lý, văn hóa, thương hiệu… và cần đảm bảo 3 yếu tố: Mục tiêu hoạt động; Mục tiêu kinh doanh; Mục tiêu tuân thủ.

Khó khăn trong quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại DNNN chính là vấn đề nhận thức về vai trò của DNNN trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Lý do tồn tại của DNNN.

TS. Trần Du Lịch

Quan trọng hơn nên thành lập một cơ quan để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (Nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của Nhà nước; trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội. “Cần dừng xu hướng trở lại cơ chế Bộ chủ quản DNNN, mà hơn 10 năm trước Đảng đã có chủ trương tách chủ quản DNNN để minh bạch hoá quản lý Nhà nước”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh. Điều này sẽ nâng cao năng lực quản lý mạnh mẽ để điều hành những kế hoạch tái cơ cấu phức tạp. Quan trọng hơn có một nhóm chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch tái cơ cấu.

Kinh nghiệm thành công từ Trung Quốc

Sau thất bại của tiến trình tái cấu trúc DNNN khởi xướng từ những năm cuối 1970, năm 2002, Trung Quốc cải cách DNNN ở các mức độ cao và sâu rộng hơn. Trung Quốc đã thành lập Ủy ban quản lý giám sát tài sản Nhà nước (SASAC) - trực thuộc Quốc Vụ viện nhằm đảm nhận việc quản lý giám sát tài sản Nhà nước mang tính kinh doanh trong các DNNN thuộc Trung ương. Coi việc hoàn thiện quản trị DN là biện pháp căn bản để tăng cường quản lý DNNN về mặt thể chế và cơ chế.

SASAC quyết định các vấn đề hợp nhất, phân tách, giải thể, tăng hoặc giảm bớt vốn điều lệ và phát hành trái phiếu DN. Sử dụng chế độ quản trị bên ngoài chuyên trách trong quá trình xây dựng hội đồng quản trị cho DN 100% vốn Nhà nước, các thành viên bên ngoài này do SASAC tuyển chọn rất khắt khe, chiếm trên 50% thành viên hội đồng quản trị và được điều cử đến các DN Trung ương dựa theo nhu cầu và tình trạng của DNNN trong mỗi lĩnh vực khác nhau. SASAC công khai tuyển dụng nhân lực cao cấp, ký kết hợp đồng trách nhiệm và thù lao theo hiệu quả, thí điểm trả lương theo năm dựa trên tình hình DN…

Hiện Trung Quốc đã cơ bản tái cấu trúc song DNNN với 50 công ty nằm trong Top 1.000 tập toàn lớn nhất thế giới.


Nhất Thanh

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Coca-Cola lần đầu tiên lên tiếng về nghi án chuyển giá tại Việt Nam (07/06/2013)

>   Cả cá lẫn tôm đều gặp khó! (07/06/2013)

>   Vốn không vào doanh nghiệp khó (07/06/2013)

>   Trong 7 năm, bauxite Nhân Cơ sẽ lỗ khoảng 2.500 tỉ đồng (07/06/2013)

>   Dù lỗ, DN xăng dầu vẫn chiết khấu cao cho đại lý (07/06/2013)

>   Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững (06/06/2013)

>   Có nên “tháo khoán“ hạn đăng ký lại cho DN có vốn nước ngoài? (06/06/2013)

>   Xây nhà máy sản xuất đất hiếm tại BR-VT (06/06/2013)

>   Vật vờ “tàu ma“ bên bờ sông Ninh Cơ (06/06/2013)

>   Tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI (06/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật