Thứ Sáu, 07/06/2013 09:58

Cả cá lẫn tôm đều gặp khó!

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã ra quyết định sơ bộ vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam. Theo kết luận của phía Mỹ, các DN sản xuất xuất khẩu tôm của Việt Nam đã được trợ cấp từ Chính phủ và Mỹ đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp rất cao đối với các DN này. Trước đó, nhiều DN cá tra Việt Nam vào thị trường này cũng đã bị áp thuế phá giá "cắt cổ”.

Các DN xuất khẩu thủy sản đoàn kết để gỡ khó, phát triển thị trường

Cả tôm và cá tra đều gặp khó

Theo quyết định của DOC, mức thuế chống trợ cấp đối với các DN sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam lần lượt là: Công ty Minh Phú 5,08%, Công ty Nha Trang Seafoods 7,05% và mức thuế toàn nước Mỹ cho tất cả các công ty khác là 6,07%. Đây là mức thuế rất cao đánh vào tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ từ trước đến nay và là loại thuế thứ 2 cùng áp cho sản phẩm này sau thuế chống bán phá giá. Dự kiến, DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng về mức thuế chống trợ cấp này trước tháng 8-2013.

Như vậy, gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tiếp gặp bất lợi.

 Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 5 cả nước ước đạt 479 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm đạt trên 2,206 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đều sụt giảm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vào các thị trường trên đã giảm từ 1,1 - 20,2%.

Trước đó là việc cá tra bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Công bố của DOC, do có sai sót trong tính toán đợt POR8, nên DOC quyết định sẽ tăng thêm khoảng 65% so với mức thuế ban đầu đối với các DN xuất khẩu cá tra sang nước này. Với quyết định này của DOC, hầu hết các DN bị đơn trong POR 8 đều bị tăng mức thuế chống bán phá giá từ 0,35 USD/pao (0,77 USD/kg) lên 0,58 USD/pao (1,29 USD/kg). Riêng 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn giữ nguyên mức thuế 0,19 USD/kg, còn Việt An (Anvifish) lại bị tăng thuế từ 1,34 USD/kg lên 2,39 USD/kg, tức tăng gần 80%.

Các DN xuất khẩu cá tra đều rất bất ngờ với quyết định này và cho rằng, nếu phía Việt Nam không chiến thắng trong vụ kiện này thì cánh cửa bước vào thị trường Mỹ của cá tra Việt Nam dường như đã khép chặt. Bởi với mức thuế cao như vậy, các DN cá tra sẽ không thể trụ được.

Chưa hết sốc vì con cá tra, nay, ngành thủy sản lại sốc vì con tôm xuất khẩu cũng bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) ngay lập tức đã lên tiếng phản kháng phản đối kết quả sơ bộ vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh Việt Nam tại thị trường Mỹ. Theo đó, Vasep cho rằng, kết quả sơ bộ DOC đưa ra là một sự áp đặt bất công với các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Mỹ gặp khó khăn do sự áp thuế bất công

Đoàn kết thay vì loại trừ nhau

Như vậy, quyết định này của DOC sẽ khiến tôm Việt Nam cùng một lúc bị áp hai loại thuế (bán phá giá và trợ cấp). Việc đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng trăm ngàn nông dân cũng như người làm chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Quyết định áp thuế cao với nguyên nhân không đúng từ phía Mỹ rõ ràng là không thể chấp nhận, nhưng từ phía ta cũng nhìn nhận lại việc phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch cũng như phương thức làm ăn thiếu sự liên kết. "Khi ra thị trường thế giới, cần nhất là sự liên kết giữa các DN, song ngược lại, các DN trong nước lại đang cạnh tranh lẫn nhau, tìm cách loại trừ nhau” – ông Lê Trí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang nhận xét. Trên thương trường là thế, còn ở "hậu phương”, bà con nông dân vẫn đang sản xuất theo hướng "mạnh ai nấy làm”. Bởi vậy, theo ông Bình, việc cần làm hiện nay là phải sắp xếp, quy hoạch lại vùng nuôi, kết nối các hộ chăn nuôi lại để tạo thành một chuỗi sản xuất có tính quy củ. Song song với đó, cung cách làm ăn của các DN xuất khẩu cũng cần chấn chỉnh lại, nên cùng bước vào thương trường quốc tế với tinh thần đoàn kết thay vì cạnh tranh với chính DN nước mình.

Ông Bình cũng hy vọng, sự ra đời của Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ trở thành mắt xích gắn kết người nuôi cá và nhà chế biến xuất khẩu đảm bảo cung không vượt cầu, mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng xuất khẩu chứ không phải sản lượng.

Có thể thấy, chưa giải quyết hết khó khăn về vấn đề vùng nguyên liệu, hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (tôm và cá tra) lại tiếp tục gặp phải những rào cản từ Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Khó khăn dồn dập khó khăn!

Vasep phản đối, Bộ Thương mại Mỹ làm khó con tôm Việt Nam

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Vasep đã chính thức phản đối kết quả sơ bộ vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh Việt Nam tại thị trường Mỹ, trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định phán quyết về sự việc này với mức thuế rất cao.

Kịch liệt phản đối mức thuế mới, Vasep cho rằng, kết quả sơ bộ này là một sự áp đặt bất công với các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các DN đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua. Vasep yêu cầu DOC xem xét lại quyết định sơ bộ này và công tâm khi thẩm tra tại chỗ để công nhận ngành tôm Việt Nam không có trợ cấp. Vasep cũng sẽ tiếp tục làm việc với những bên liên quan để có thể kéo mức thuế xuống thấp nhất trước ngày DOC ra phán quyết cuối cùng. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, mức thuế này có thể về 0%.

Nguyễn Nga


Duy Phương

Đại Đoàn kết

Các tin tức khác

>   Vốn không vào doanh nghiệp khó (07/06/2013)

>   Trong 7 năm, bauxite Nhân Cơ sẽ lỗ khoảng 2.500 tỉ đồng (07/06/2013)

>   Dù lỗ, DN xăng dầu vẫn chiết khấu cao cho đại lý (07/06/2013)

>   Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững (06/06/2013)

>   Có nên “tháo khoán“ hạn đăng ký lại cho DN có vốn nước ngoài? (06/06/2013)

>   Xây nhà máy sản xuất đất hiếm tại BR-VT (06/06/2013)

>   Vật vờ “tàu ma“ bên bờ sông Ninh Cơ (06/06/2013)

>   Tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI (06/06/2013)

>   Nhà đầu tư Nhật lo đủ 5 tỷ USD cho lọc dầu Nghi Sơn (06/06/2013)

>   Tiếp tục tăng thuế nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng (06/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật