Ngân hàng “mở két”, nhưng chưa ai vào?
Sau gần 2 tuần triển khai thực hiện cho vay theo Thông tư 11 của NHNN về cho vay hỗ trợ nhà ở, các chi nhánh NHTM trên địa bàn Đà Nẵng đã và đang vào cuộc tích cực…
Theo ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Đà Nẵng: Để gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng sớm đi vào cuộc sống, chi nhánh đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Đà Nẵng cung cấp thông tin liên quan đến các dự án căn hộ, nhà ở xã hội. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn tích cực tham gia.
Ông Đoàn Phúc - Phó giám đốc Agribank Đà Nẵng cho hay, chi nhánh đang triển khai và chỉ đạo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng chủ trương, quy định đề ra. Cụ thể, với khách hàng DN sẽ được hoàn tất thủ tục vay vốn trong 20 ngày; khách hàng cá nhân được vay vốn lên đến 80% số tiền mua nhà, thời hạn vay 10-15 năm và được sử dụng chính căn nhà đó để làm tài sản thế chấp khoản vay.
“Chúng tôi đã sẵn sàng “mở két” khi khách hàng hoàn thành những thủ tục theo quy định”, Giám đốc BIDV Đà Nẵng Trần Thanh Điện cho biết. Theo ông Điện, chi nhánh đã công khai minh bạch các quy trình, thủ tục, hướng dẫn trên tất cả các điểm giao dịch: Vietcombank Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng phục vụ khách hàng có nhu cầu. Ông Lê Diệp - Giám đốc chi nhánh quả quyết “Vietcombank Đà Nẵng cam kết không đặt thêm các điều kiện làm khó dễ khách hàng. Nếu cán bộ nào gây khó dễ, vòi vĩnh, bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm...”.
Thế nhưng theo NHNN Đà Nẵng, mới chỉ có một khách hàng DN là Công ty liên doanh Đức Mạnh – 579 ký kết biên bản ghi nhớ tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank Đà Nẵng. Nguyên nhân được ông Lê Diệp chỉ ra là các điều kiện cho vay kèm theo khá chặt chẽ nên nhiều người có nhu cầu ngại tiếp cận hoặc đang chờ làm thủ tục xét duyệt của cơ quan, của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, theo ông Đoàn Phúc, để chủ trương này phát huy được hiệu quả thì rất cần sự công minh trong việc xét duyệt đối tượng hưởng lợi cũng như có những quy định phù hợp hơn về diện tích nhà ở cho từng địa bàn, từng địa phương cụ thể… Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay các ngân hàng chưa nắm được cụ thể nguồn dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để tiếp cận thực hiện cho vay...
Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông Trần Thanh Điện, cần có quy định rõ ràng hơn, cụ thể từng khu vực, mức thu nhập, đối tượng thu nhập, tiêu chuẩn xác định người thu nhập thấp. Đồng thời, việc xác nhận, chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ của đối tượng thu nhập thấp có nhiều điểm mâu thuẫn nhau như: khách hàng chứng minh thuộc đối tượng thu nhập thấp thì không đủ khả năng trả nợ vốn vay theo quy định trong cấp tín dụng…
Đối với hồ sơ thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay khi thực hiện để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại còn nhiều điểm chưa thuận lợi cho cả người vay và ngân hàng cho vay, như các trường hợp chủ đầu tư đã sử dụng chính dự án để thế chấp vay vốn thi công tại các NHTM này, nhưng người có thu nhập thấp lại phát sinh vay vốn mua nhà ở các NHTM khác… Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở tại các ngân hàng trên địa bàn.
Công Thái
thời báo ngân hàng
|