Thứ Tư, 12/06/2013 22:20

Mỹ điều tra ống thép hàn không gỉ của Việt Nam

Gần một tháng sau khi ba doanh nghiệp Mỹ nộp đơn kiện, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hôm 6-6 chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá ống thép hàn không gỉ chịu lực nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, và Thái Lan.

Một dự án sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hôm 12-6, Mỹ sẽ tiến hành điều tra sản phẩm ống thép hàn không gỉ chịu lực nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1-10-2012 đến 31-3-2013.

Mức thuế chống bán phá giá ba công ty Mỹ yêu cầu áp lên sản phẩm nhập từ Việt Nam là 89,4 - 90,8%, đối với Malaysia là 22,67% - 22,73%, và với Thái Lan là 23,77 - 24,04%.

Theo DOC, trong năm 2012, nhập khẩu sản phẩm thép bị điều tra của Việt Nam vào Mỹ đạt 17,981 triệu đô la Mỹ. Còn theo số liệu được ba công ty của Mỹ cung cấp trong đơn kiện, trong năm 2012, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ mặt hàng ống thép chịu lực không gỉ với kim ngạch 16,3 triệu đô la Mỹ, tổng khối lượng là 4.627 tấn, chiếm 6,61% thị phần nhập khẩu vào Mỹ.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, dự kiến trước ngày 1-7, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) sẽ có kết luận sơ bộ về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Nếu ITC kết luận sản phẩm nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa của Mỹ, vụ điều tra sẽ tiếp tục được tiến hành và DOC sẽ ra quyết định sơ bộ vào tháng 10-2013.

Nếu ITC kết luận không tồn tại thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa Mỹ, vụ điều tra sẽ chấm dứt.

Kể từ năm 2011, đây là vụ kiện thứ ba của Mỹ nhằm vào các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó là mặt hàng ống thép hàn cacbon và mắc áo bằng thép.

Theo doanh nghiệp thép Việt Nam, việc cạnh tranh về giá trong thị trường thép khá khốc liệt, nên chỉ cần bị đánh thuế thêm vài phần trăm thì doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh nổi. Nếu bị áp thuế cao tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ không bao giờ có thể quay lại được thị trường này.

Trong giải trình vào giữa tháng 4-2013, Tổng công ty cổ phần xuất khẩu Đông Nam Á Hamico cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quí 1-2013 đạt trên 10,4 tỉ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của DOC đối với sản phẩm mắc áo bằng thép xuất xứ Việt Nam mà Mỹ là thị trường chính của công ty. Trong khi đó, Hamico mới chỉ bước đầu tìm kiếm thị trường khác thay thế cho thị trường Mỹ, nên doanh thu đã sụt giảm mạnh.

Trong năm 2011 và 2012, ngành thép Việt Nam khá lận đận khi phải đối phó với năm vụ kiện chống bán phá giá và hai vụ kiện chống trợ cấp từ thị trường Mỹ, Brazil, Thái Lan và Indonesia – chiếm gần một nửa tổng số các vụ kiện (phòng vệ thương mại) đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian này.

T.Thu

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Né điện giá cao, doanh nghiệp thép làm đêm (11/06/2013)

>   Hai công ty bị “tố” có tham vọng độc quyền thị trường inox (08/06/2013)

>   Thất thu ngàn tỷ vì khoáng sản xuất lậu (05/06/2013)

>   Kinh doanh thép cần "sân chơi" lành mạnh (31/05/2013)

>   Mỹ điều tra cáo buộc về bán phá giá thép dây nhập (15/05/2013)

>   Thép nhập khẩu giảm (10/05/2013)

>   Ngành thép lao đao (01/05/2013)

>   Nhập siêu thép vẫn lớn (01/05/2013)

>   Sẽ kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu (11/04/2013)

>   Ngành thép cần "giải cứu" khẩn cấp (03/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật