Lãng phí nhiều mà chưa thấy ai bị làm sao
“Cơ chế của ta hiện nay đang tạo điều kiện cho lãng phí. Lãng phí nhiều nhưng chả ai bị làm sao cả. Luật có từ mấy năm nhưng có thấy xử ai tội lãng phí đâu” - đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) chiều 6-6.
Cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và dự thảo Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.
17 cây cầu, 51 lễ
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) bày tỏ: “Hiện nay nước ta còn nghèo, dân còn nghèo, nhưng nhiều người dân tổ chức tang ma, cưới xin, lễ hội rất tốn kém. Một đám tang mấy trăm vòng hoa, trướng, đem đến xong lại bỏ đi. Nếu đứng ngoài mà nhìn thì thấy sốt ruột lắm. Vòng hoa người trước mới đặt vào, vòng hoa người sau lại chen lên, rồi lại đem vứt đi. Thần, Phật đâu có mong muốn nhân dân cúng bái phung phí như vậy. Nhìn lên các vị quan chức thì thấy nhiều vị cứ lên chức là lại thay đổi phòng ốc, chỗ ngồi, mua xe mới...”.
Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nêu ví dụ: “Ít nước nào làm các lễ động thổ, khởi công, hợp long nhiều như chúng ta. Ví dụ hầm đường bộ Kim Liên ở Hà Nội cũng chỉ là một công trình bình thường mà khánh thành rầm rộ. Hay như dự án đường cao tốc Hà Nội - Cần Thơ có rất nhiều dự án thành phần trong đó và có khoảng 17 cây cầu. Cứ mỗi cây cầu thông thường phải tổ chức ba lễ là khởi công động thổ, rồi hợp long và lễ thông xe, 17 cây cầu là 51 lễ, như vậy từ nay cho đến khi thực hiện xong toàn bộ dự án đường cao tốc này thì không biết bao nhiêu lễ, tốn kém vô cùng”.
Thiếu trách nhiệm trước Quốc hội
"Nếu tôi là người được quyết định, tôi đuổi hết 1/3 công chức không hiệu quả. Dân phải đóng thuế nhiều để nuôi đội ngũ công chức này thì bất công quá"
Đại biểu Đỗ Văn Đương
|
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhận xét: “Trong tờ trình của Chính phủ, câu trước vừa nói “việc triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã thu được kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm” thì ngay câu sau đã ghi “Tuy nhiên, tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực”.
Bên trên vừa nói “việc quản lý, sử dụng đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực”, bên dưới đã nói “vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích. Một số nơi buông lỏng quản lý”. Nói vậy là như đi hàng hai, nói như đánh đố đại biểu Quốc hội. Tôi có cảm giác cách ta làm báo cáo là không lấy thực tiễn để báo cáo mà chỉ nói làm sao cho nó tròn, thành tích cũng có mà khuyết điểm cũng không thiếu. Nói như thế là thiếu nghiêm túc và thiếu trách nhiệm trước Quốc hội và trước nhân dân”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lên tiếng: “Luật cứ nói giám sát chung chung thì biết đâu mà giám sát. Các cơ quan thì đóng kín cửa, dân đứng bên ngoài biết đâu mà giám sát. Tôi cho là phải quan tâm đến trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu. Anh làm lãnh đạo mà dùng xe công đưa vợ con đi chùa thì cấp dưới nhìn vào sẽ làm theo là hẳn rồi.
Theo đại biểu Lê Văn Học, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì công khai là hết sức quan trọng. Ví dụ như việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản trong cơ quan, cứ nói công khai nhưng nhiều cái thật ra không công khai, nhất là ở các cơ quan hành chính sự nghiệp cho nên hay có dư luận.
Phải chấm dứt tình trạng thông thầu
Thảo luận ở tổ, nhiều vị đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất cần thiết sửa Luật đấu thầu. Các đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều cho rằng thời gian qua tình trạng “thông thầu” xảy ra rất phổ biến, do vậy sửa đổi luật lần này cần có quy định nghiêm ngặt chống thông thầu. Ông Hiến cũng đề cập thực tế nhà thầu Trung Quốc thắng thầu rất nhiều công trình, “chúng ta chấp nhận luật chơi và phải đảm bảo các quy định quốc tế về hội nhập, nhưng cũng cần phải tính toán đảm bảo doanh nghiệp trong nước có cơ hội”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng quan điểm hiện nay đã có cơ chế cho phép đại biểu Quốc hội thuê chuyên gia, do vậy các dự án luật chuyên ngành như Luật đấu thầu thì nên gửi sớm đến đại biểu để có thời gian cho chuyên gia nghiên cứu. Ông Hoàng Trung Hải cho rằng việc dự thảo luật lần này giao trách nhiệm về chỉ định thầu cho cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư là đúng, theo thiết kế như của luật trước đây thì Thủ tướng Chính phủ phải ký chỉ định thầu, trong khi đó nên để cho cấp ra quyết định đầu tư và chủ đầu tư chịu trách nhiệm, “ta cứ nhiều ông canh, nhưng có canh được đâu, bao nhiêu con dấu cho một văn bản cũng vậy, nếu ông làm bậy đã có pháp luật”.
“Kể cả về hưu cũng phải ra tòa” - đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh đến việc đưa ra các quy định xử lý trách nhiệm. Bà cho rằng với nguồn vốn của cá nhân, gia đình khi đưa ra mời thầu thì rất hiệu quả, nhưng vốn nhà nước thì sử dụng kém hiệu quả. Từ đấu thầu đường sá, mua sắm trang thiết bị, chất lượng không tương xứng với số tiền đưa ra. “Cần phải quy định trách nhiệm người đứng đầu phê duyệt thầu, chỉ định thầu. Không thể để tiền của dân đem ra tiêu xài kém hiệu quả” - bà An nói.
Không nên bắt buộc đóng quỹ phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai
Trước đó vào buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Sau đó, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Đa số ý kiến cho rằng việc quy định người từ 18 tuổi trở lên phải đóng quỹ phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai là chưa hợp lý. Lý do là thành lập quá nhiều quỹ sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân. Ngoài ra, luật hóa việc đóng quỹ sẽ tạo tiền lệ cho các luật khác cũng quy định lập quỹ bắt buộc. Các đại biểu cho rằng nếu cần thiết phải lập quỹ thì chỉ nên quy định có sự đóng góp trên cơ sở tự nguyện của cá nhân, tổ chức và phải có cơ chế sử dụng, giám sát quỹ thật công khai, minh bạch, tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
5 lĩnh vực có khả năng xảy ra lãng phí cao
1. Khu vực tài sản nhà nước: theo báo cáo chính thức của Chính phủ thì tài sản nhà nước gồm đất, trụ sở làm việc, nhà, ôtô, các tài sản nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên, tổng cộng khoảng 865.000 tỉ đồng.
2. Chi tiêu công từ nguồn ngân sách nhà nước: theo dự toán, nguồn ngân sách nhà nước năm 2013 là 978.000 tỉ đồng. Nếu tiết kiệm chống lãng phí được 5-10% thì tiết kiệm được vài chục ngàn tỉ đồng để làm các công trình phúc lợi xã hội. Nhưng hầu như năm nào tôi cũng thấy chúng ta chi sai mục đích, vượt dự toán.
3. Sử dụng trái phiếu chính phủ.
4. Khu vực doanh nghiệp nhà nước: cho đến giờ này có 3.254 doanh nghiệp nhà nước, tổng nguồn vốn các doanh nghiệp nhà nước quản lý lên đến trên 5 triệu tỉ đồng. Thế nhưng vẫn còn đâu đó một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ lã.
5. Khai thác quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
|
Lê Kiên - Mai Hương - V.V.Thành
tuổi trẻ
|