Giải pháp đúng, vì sao kết quả hạn chế?
“Chính phủ đã nhìn nhận ra vấn đề nhưng ở phía dưới chưa hành động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Nếu điều này không được khắc phục, thì không có cách nào để cải thiện tình hình thực hiện chính sách và đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
|
Trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây, người phát ngôn của Chính phủ có trần tình “Chính phủ không bao giờ không trung thực khi báo cáo Quốc hội”. Ông có bình luận gì về nhận định này?
Tôi chia sẻ về nỗi ưu tư này của Chính phủ và cho rằng, khi báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã khái quát được bức tranh tương đối tổng thể về nền kinh tế. Tôi cũng không đặt vấn đề báo cáo của Chính phủ đã phản ánh đúng, phản ánh chân thực diễn biến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân hay chưa?
Bởi lẽ, Báo cáo của Chính phủ được xây dựng từ góc độ của cơ quan điều hành, dựa trên những mục tiêu của cơ quan điều hành nên những đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách từ cuối năm 2012 đến nay của Chính phủ, theo tôi là có cơ sở.
Tuy nhiên, băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội cũng là có cơ sở khi vẫn còn nhiều vấn đề trong báo cáo cần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội một cách nghiêm túc và thấu đáo thì những giải pháp đưa ra mới có thể phát huy hiệu quả vực dậy nền kinh tế.
Vì vậy, Quốc hội đã có những phân tích, góp ý và kiến nghị trên tinh thần như vậy, chứ không phải là nghi ngờ Chính phủ báo cáo sai hoặc cho rằng Chính phủ quá lạc quan, tô hồng thực tế.
Theo ông, “một số vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo hơn” là gì?
Báo cáo của Chính phủ nói tốc độ tăng trưởng quý 1/2013 tăng cao hơn quý 1/2012. Nhưng phần tăng hơn đó chỉ là 0,11%. Điều đáng nói hơn là nếu đặt tốc độ tăng trưởng quý 1/2013 cạnh tốc độ tăng trưởng quý 1 các năm vừa qua thì đây là thời điểm nguy hiểm nhất: dư nợ tín dụng đạt thấp nhất; tỷ lệ doanh nghiệp phá sản hàng tháng bình quân cao nhất; khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp không tăng trưởng mà chỉ tăng ở khu vực dịch vụ, vậy thì tăng trưởng có bền vững hay không? Điều này cần được thẳng thắn nhìn nhận hơn.
Hay như về con số tạo việc làm mới. Trước kỳ họp này, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã bày tỏ sự không hài lòng với những con số về việc làm được công bố vì con số này được đo đếm bằng chính thực tế lao động, việc làm của con em họ.
Trước đây, con em người ta đi làm ở nhà máy, công xưởng, ít nhất mỗi tháng cũng gửi về cho gia đình được 1-2 triệu đồng, bây giờ thì không có tiền gửi về nữa; thậm chí, tại rất nhiều gia đình, con em họ bị thất nghiệp, phải trở về quê.
Tất nhiên, từ góc độ cơ quan điều hành, có thể nói là tình trạng này không ảnh hưởng nhiều vì ruộng đất đã được chia ổn định từ năm 1993, con em nông dân đi làm ở các công xưởng, nhà máy nay bị thất nghiệp về nhà thì vẫn có ruộng đất để làm, vẫn sống được.
Nhưng từ góc độ của người dân, họ không tin vào con số 1,52 triệu người được tạo việc làm năm 2012 là có lý. Tôi nghĩ Chính phủ phải làm thế nào để thống kê được con số này thực chất hơn.
Bên cạnh một số ý kiến “chê” báo cáo của Chính phủ nặng về thành tích, một số ý kiến khác lại cho rằng Chính phủ chưa biết làm nổi lên những mặt mạnh trong điều hành. Xin cho biết quan điểm của ông?
Đúng là có những vấn đề mà nếu Chính phủ phân tích được rõ hơn sẽ làm cho người dân thêm yên tâm và tin tưởng hơn vào điều hành của Chính phủ. Chẳng hạn, về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị năm 2012, Báo cáo của Chính phủ cho biết con số này là 3,25%.
Nếu con số này chính xác, cá nhân tôi cho rằng, đó là một thành tựu rất lớn. Vì một nền kinh tế đang phục hồi tốt như kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị còn lên tới hơn 8%. Một nền kinh tế được đánh giá là vững chắc nhất châu Âu là Đức, tỷ lệ thất nghiệp cũng khoảng 7 - 8%.
Kết quả của chúng ta là chưa đến 4% - tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển ổn định trên thế giới. Vậy điều gì tạo nên thành tựu đó? Tại sao Chính phủ không nói rõ điều này để người dân hiểu và thêm tin tưởng vào điều hành của mình?
Vướng mắc nhất hiện nay trong điều hành, có lẽ là việc quá chậm trong đưa chính sách vào cuộc sống. Chính phủ cũng đã giải thích nguyên nhân chậm, nhưng chưa rõ về hướng khắc phục. Vậy ông có kiến giải gì?
Tôi cho rằng, rất cần nhìn lại bài học thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986. Nhìn lại bài học đó, để trả lời cho câu hỏi vì sao các giải pháp nêu ra đều đúng nhưng hiệu quả còn hạn chế? Là vì nhận thức và hành động giữa cơ quan điều hành cao nhất đến các cơ quan triển khai thực hiện vẫn đang có một khoảng cách. Chính phủ đã nhìn nhận ra vấn đề nhưng ở phía dưới chưa hành động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Nếu điều này không được khắc phục, thì không có cách nào để cải thiện tình hình thực hiện chính sách và đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ.
Lê Châu
vneconomy
|