Lãi suất tăng, ngân hàng Mỹ đối mặt với “stress test” mới từ Fed
Các ngân hàng Mỹ bắt đầu trung thực về rủi ro lãi suất của mình
Các ngân hàng Mỹ thường khá kín tiếng về tác động của mức lãi suất ngày càng cao đối với kết quả kinh doanh của mình. Tuy nhiên, các ngân hàng này sẽ phải sớm cởi mở hơn đối với các nhà điều hành và giới đầu tư.
* Singapore trấn áp hành vi thao túng lãi suất chuẩn
* Kỳ vọng Fed giữ nguyên QE, chứng khoán Mỹ tiếp tục leo dốc
Các giám đốc nhà băng sẽ nhóm họp với các quan chức Fed vào tuần tới tại Boston để thảo luận về “stress test”.
|
Lần đầu tiên trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) yêu cầu 18 ngân hàng lớn nhất nước đệ trình kết quả thanh tra (stress test) giữa năm để cho thấy các tổ chức tài chính này sẽ hoạt động ra sao nếu trải qua một cú sốc kinh tế tiêu cực, chẳng hạn như sự tăng vọt của tỷ lệ thất nghiệp hay lãi suất.
Kết quả của đợt thanh tra lần này sẽ được Fed công bố vào ngày 05/07. Dù vậy, không giống như đợt thanh tra đầu năm nay, Fed sẽ không tiến hành kiểm tra hoặc công bố kết quả. Tuy nhiên, Fed yêu cầu các ngân hàng tự công khai kết quả vào cuối tháng 9.
Các giám đốc nhà băng sẽ nhóm họp với các quan chức Fed vào tuần tới tại Boston để thảo luận về “stress test”. Trước đây, đã xảy ra một số bất đồng xung quanh quá trình này. Các giám đốc điều hành ngân hàng đã bày tỏ sự thất vọng vì Fed không cho biết sẽ nhận được kết quả như thế nào. Tại một hội nghị tương tự trong năm ngoái, Giám đốc Tài chính của Wells Fargo, Paul Ackerman, đã nhận được sự tán dương của các giám đốc nhà băng khác khi cho biết ông vẫn chưa hiểu tại sao ước tính thua lỗ của Fed lại quá khác biệt so với ước tính từ ngân hàng của ông.
Nằm trong danh sách các chủ đề của cuộc họp năm nay là các khoản vay dân cư, các khoản vay doanh nghiệp và rủi ro tín dụng đối tác – khoản tiền mà một ngân hàng có thể thua lỗ nếu một trong những đối tác thương mại phá sản. Đưa ra được số liệu này là một trong những phần khó khăn nhất của đợt thanh tra. Trong các tháng vừa qua, các nhà điều hành đã tăng cường giám sát hoạt động cho vay ngân hàng và chất vấn liệu các ngân hàng có sử dụng quá nhiều đòn bẩy.
Tuy nhiên, lãi suất cao chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm liên tục tăng trong thời gian gần đây sau khi mắc kẹt gần các mức thấp lịch sử kể từ cuộc suy thoái. Fed đã đánh giá đà tăng mạnh của lãi suất là một trong những cú sốc mà các ngân hàng có thể đối mặt khi tính toán thua lỗ tiềm ẩn từ hoạt động giao dịch trong đợt thanh tra hồi tháng 3/2013. Đó cũng là lần đầu tiên Fed làm như vậy.
Hơn nữa, các giám đốc nhà băng cho biết mới đây Văn phòng Giám sát tiền tệ (OCC) đã chất vấn các ngân hàng về rủi ro lãi suất cao. Trong báo cáo năm ngoái, OCC đã xếp lãi suất cao vào nhóm các rủi ro lớn nhất đối với các ngân hàng.
Rất khó để biết được mức độ thua lỗ của các ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng sẽ duy trì được kết quả kinh doanh tích cực. Lãi suất cao sẽ cho phép các ngân hàng tính phí cao hơn đối với các khoản vay, qua đó thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Nhưng trước đây, lãi suất cao và giá nợ giảm đồng thời đã khiến danh mục cho vay và trái phiếu của các ngân hàng thua lỗ nặng. Các ngân hàng ít cởi mở hơn về câu chuyện lãi suất cao nhưng có lẽ điều đó đang thay đổi.
Tại một hội nghị đầu tư trong tuần trước, Giám đốc tài chính của Bank of America, Bruce Thompson, cho biết ngân hàng có thể thua lỗ tới 11 tỷ USD từ danh mục cho vay và trái phiếu nếu lãi suất tăng 1%. Ông cho biết, mức thua lỗ ước tính này cao hơn tới 3 lần so với lợi nhuận mà Bank of America sẽ thu được từ lãi suất cao hơn trong hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, có thể Bank of America không cần phải ghi nhận các khoản lỗ này ngay lập tức nếu ngân hàng nắm giữ khoản nợ và người vay mượn thanh toán xong. Dù vậy, nguồn vốn ngân hàng sẽ giảm. Đây là điều mà cả nhà đầu tư và các nhà điều hành đều theo dõi rất sát sao trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Đồng thời, đây cũng là điều sẽ được thể hiện rõ trong kết quả thanh tra của ngân hàng.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
Infonet
|