Khủng hoảng Trung Quốc là tốt cho kinh tế toàn cầu
Thế giới nên dừng lo lắng đối với sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Thực tế, đó là một điều tốt.
Suy giảm tăng trưởng chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình cải cách
|
Lời khuyên này sẽ không được hoan nghênh ở Australia, nước từng đặt cược vào việc Trung Quốc có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% trong một thời gian dài. Nó sẽ không được chào đón bởi các nhà xuất khẩu Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan. Các nhà giao dịch cũng sẽ không hài lòng về điều đó khi phải chứng kiến giá dầu, vàng và sắt thép giảm do nhu cầu suy yếu từ đại công trường này. Nhìn chung, châu Á sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và châu Âu có thể sẻ phải tìm kiếm một mạnh thường quân mới cho các thị trường nợ của mình.
Tuy nhiên, một bước thụt lùi nhỏ chính là điều mà Trung Quốc cần vào lúc này. Nó cũng tốt cho phần còn lại của thế giới về lâu dài. Thực tế, ai cũng nhận thấy mô hình tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc là không bền vững. Nền kinh tế Trung Quốc hiện như một “con nghiện” xuất khẩu và mắc chứng phình giá bất động sản. Hoạt động đầu tư ồ ạt vào các ngành công nghiệp nặng đã dẫn đến tình trạng thừa công suất và làm ô nhiễm bầu không khí của nước này. Thị trường lao động đang tăng tiền công giữa lúc nhu cầu của thế giới đối với các hàng hóa Trung Quốc suy giảm. Chính quyền các địa phương thì ngập trong nợ nần.
Nhiều năm trước, các lãnh đạo Trung Quốc từng nói rằng, họ cần chuyển dịch nền kinh tế sang một mô hình tăng trưởng được dẫn dắt bởi khu vực dịch vụ và tiêu dùng hộ gia đình, không phải xuất khẩu. Vậy tại sao nước này chỉ đạt được rất ít tiến triển trong suốt 10 năm nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào? Chính trị không phải là nguyên nhân. Để tạo sự yên ổn về tâm lý xã hội, ông Hồ Cẩm Đào đã xoa dịu 1,3 tỷ dân bằng tín dụng dễ dàng và sự bùng nổ chưa từng có trong hoạt động xây dựng. Động cơ xuất khẩu luôn chạy sình sịch đã át đi tính cấp bách của sự thay đổi.
Sợ hãi giờ đây có thể là một chất tẩy, giúp đánh tan vỏ bọc che giấu yêu cầu cải cách. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chỉ còn 7% trong thập kỷ này. Điều đó làm thay đổi bài toán của các nhà quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: tăng trưởng thấp kéo dài khiến việc lẩn tránh cải cách trở nên nguy hiểm hơn là bắt đầu thực hiện nó.
Nhìn lại lịch sử, giống như những người đồng cấp từ Washington đến Tokyo, các lãnh đạo Trung Quốc từng phản ứng rất tốt với khủng hoảng. Chẳng hạn, sự kinh hoàng của cách mạng văn hóa đã thôi thúc Đặng Tiểu Bình xây dựng một nền kinh tế thị trường. Khủng hoảng tài chính năm 1998 đã tiếp thêm sự tự tin cho Thủ tướng Chu Dung Cơ tiến hành cải tổ các doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây có một cơ hội để tạo nên bước ngoặt trong đường lối phát triển của Trung Quốc như những người tiền nhiệm của mình. Vậy phải làm thế nào? Thứ nhất, Trung Quốc phải đảm bảo rằng, vốn được định giá dựa trên thực tế. Đó có nghĩa là các ngân hàng phải chấm dứt các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả và các dự án bất động sản không cần thiết. Theo Fitch Ratings, cho vay tài chính ở Trung Quốc đã lên tới 198% tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm ngoái, so với mức 125% của 4 năm trước. Các ngân hàng không thể phát triển với cung cách cho vay như vậy.
Thứ hai, ông Tập phải kiểm soát các chính quyền địa phương. Hiện tại, một núi các khoản vay, phần lớn là ngoại bảng, đã làm tăng nỗi ám ảnh về một thảm họa nợ xấu. Gần đây, một cựu bộ trưởng tài chính đã tiết lộ rằng, nợ địa phương của nước này có thể đã đạt 3,3 nghìn tỷ USD, một điềm xấu cho xếp hạng tín dụng của Trung Quốc.
Thứ ba, tân Chủ tịch phải sửa đổi chính sách hộ khẩu để kích thích công nhân di chuyển đến các thành phố nhằm có được phúc lợi xã hội và giáo dục tốt hơn - một điều rất quan trọng nếu Trung Quốc muốn chuyển đổi thành nền kinh tế dịch vụ.
Ngoài ra, ông Tập cũng phải hành động nhanh chóng để tránh cho đất nước khộng bị nghẹt thở trên con đường phát triển của chính mình. Thực tế, trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, có tới 16 là ở Trung Quốc. Ô nhiễm môi trường đang nhanh chóng thay thế tham nhũng trở thành nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn xã hội.
Đầu tư lớn vào tua-bin gió và các tấm năng lượng mặt trời là một khởi đầu tốt, nhưng Trung Quốc phải nghĩ lớn hơn. Nước này nên học hỏi từ ví dụ về môi trường sau chiến tranh của Nhật Bản, ban hành luật để giảm lượng khí thải, yêu cầu hiệu suất năng lượng lớn hơn và xem xét áp dụng thuế các-bon.
Đối với mỗi biện pháp, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối diện với sự phản bác từ các lãnh đạo cao cấp khác trong Đảng Cộng Sản. Cải cách thực sự cũng sẽ làm giảm tăng trưởng GDP, có thể chỉ còn 5%/năm.
“Toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc đang nghiêng về các mô hình hiện tại. Bởi vậy, ông Tập Cận Bình cũng như ông Lý Khắc Cường phải thuyết phục được những người khác rằng, suy giảm tăng trưởng chỉ là một sản phẩm phụ của quá trình cải cách”.
Quang Huy
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|