Khốn khổ vì thông tư 14 - bài 1: Nguy cơ mất trắng 10 tỉ đồng
Không ít người mua nhà, đất hợp pháp xong xuôi rồi thì “té ngửa” vì bị cơ quan thi hành án kê biên, ngăn chặn nhà, đất để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của người bán.
Có trường hợp khiếu nại, kêu cứu khắp nơi cũng không ai giải quyết…
“Nhận tờ quyết định thông báo ngăn chặn của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM từ nhân viên bưu điện mà tôi bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi đã khóc cạn nước mắt. Không khóc sao được khi căn nhà trị giá cả chục tỉ đồng vừa mua hợp pháp xong lại bị coi là tài sản để đảm bảo việc thi hành án của chủ cũ” - bà Phan Thị Ngọc Anh (ngụ số 136/2 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận) cố ghìm bức xúc để bắt đầu câu chuyện.
Mua nhà hợp pháp vẫn gặp họa
Ngôi nhà bà Anh mua nguyên là của ông Trần Nam Hải. Năm 2011, biết bà Anh có nhu cầu mua nhà, ông Hải đồng ý bán với giá 10,3 tỉ đồng và yêu cầu bà đặt cọc 5 tỉ đồng. Ngày 21-9-2011, khi đến Phòng Công chứng số 4 để ký hợp đồng mua bán, bà Anh mới biết giấy tờ nhà đang bị thế chấp trong ngân hàng. Ngay lúc đó, ông Hải đã dùng 5 tỉ đồng tiền cọc của bà Anh giải chấp cho phía ngân hàng trước mặt công chứng viên để hoàn thành việc công chứng hợp đồng mua bán nhà.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, bà Anh thấy giấy hồng cũ của căn nhà bị rách gáy nên đã đi trích lục giấy tờ. Hai tháng sau, bà hoàn tất hồ sơ làm thủ tục đăng bộ và đổi giấy hồng. Nhận hồ sơ của bà, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Phú Nhuận đã viết giấy hẹn bà vào ngày 22-11-2011 đến nhận giấy hồng mới.
Bà Phan Thị Ngọc Anh bức xúc vì căn nhà mua hợp pháp, ngay tình cả chục tỉ đồng lại gặp rắc rối.
|
Thế nhưng bất ngờ vào sáng 20-11-2011, UBND quận Phú Nhuận gửi thông báo là ngôi nhà bà mua đã bị Cục Thi hành án dân sự TP ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và thay đổi hiện trạng.
“Suốt đêm đó tôi không thể chợp mắt được, chỉ mong trời sáng để đến Cục Thi hành án hỏi rõ ngọn ngành. Nhưng khi gặp, chấp hành viên chỉ nói là do ông Hải đang phải thi hành một bản án trả nợ gần 5 tỉ đồng nên theo quy định thì cơ quan thi hành án được quyền ngăn chặn việc chuyển dịch ngôi nhà trên để đảm bảo thi hành án. Vị này còn nói với tôi là đã mời nhiều lần nhưng ông Hải không đến nên sau khi ngăn chặn sẽ tạo áp lực cho tôi tác động đến ông Hải để giải quyết việc thi hành án (?!)” - bà Anh kể.
Không biết kêu ai
Quá bức xúc, bà Anh liên tục khiếu nại. Theo bà, trong suốt quá trình bà ký hợp đồng mua nhà của vợ chồng ông Hải tại phòng công chứng, kê khai đóng thuế, làm thủ tục sang tên đều không có lệnh ngăn chặn của tòa hay cơ quan thi hành án. Bản thân bà cũng không hề hay biết, không hề có thông tin nào về việc vợ chồng ông Hải nợ nần người khác hay dính đến việc kiện tụng.
Mặt khác, theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 và Luật Nhà ở 2005 thì căn nhà này đã thuộc quyền sử dụng và quyền sở hữu của bà Anh (quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của người mua nhà được xác lập kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất). Bản thân bà không liên quan gì đến việc nợ nần của vợ chồng ông Hải nên việc Cục Thi hành án dân sự TP ngăn chặn căn nhà của bà là hoàn toàn vô lý, bất công.
Tuy nhiên theo bà Anh, chấp hành viên không tiếp nhận khiếu nại của bà mà chỉ hướng dẫn bà gửi đơn đến Phòng Kiểm sát thi hành án thuộc VKSND TP. Nơi này nói không thuộc thẩm quyền và chuyển đơn về lại Cục Thi hành án dân sự TP. Bị đẩy qua đẩy lại, cuối cùng bà chỉ nhận được một thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP là từ chối thụ lý giải quyết vì lý do… đã hết thời hiệu khiếu nại.
Hết đường, bà Anh phải quay sang nói chuyện với ông Hải để hy vọng được hỗ trợ. Sau nhiều lần tác động, cuối cùng ông Hải cũng cung cấp thêm một tài sản khác là một ngôi nhà do vợ ông đứng tên để cơ quan thi hành án ngăn chặn thay cho căn nhà đã bán cho bà Anh.
Những tưởng đến đây thì lệnh cấm chuyển dịch với ngôi nhà bà Anh mua được gỡ bỏ. Nhưng đầu năm 2012, TAND quận Phú Nhuận lại thụ lý vụ kiện tranh chấp tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng ông Hải (trong đó có ngôi nhà ông Hải đã bán cho bà Anh). Bà Anh trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Mấy tháng trời ròng rã bà phải đến tòa lấy lời khai, trình bày sự việc. Tháng 9-2012, TAND quận ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì đã triệu tập hợp lệ hai lần nhưng phía nguyên đơn (vợ ông Hải) vẫn vắng mặt.
“Cầm quyết định đình chỉ của tòa, tôi mừng rỡ vội đến gặp lại chấp hành viên để hỏi xem đã có cơ sở giải tỏa quyết định ngăn chặn chưa. Nhưng như thường lệ, câu trả lời vẫn là phải chờ họp với Phòng Kiểm sát thi hành án của VKS TP. Tôi đến hỏi thì VKS lại trả lời cứ liên hệ với Cục Thi hành án dân sự TP. Cuối cùng, tôi chẳng biết kêu cứu ở đâu cả” - bà Anh buồn bã.
Đẩy cái khó cho người mua nhà ngay tình?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14 ngày 26-7-2010 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao, kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu có tranh chấp thì chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án...
Tôi biết kiện ai?
Tôi quá mệt mỏi rồi, gần hai năm qua không ngày nào ngủ yên. Không chỉ đã trả hết tiền mua nhà, tôi còn bỏ ra không ít tiền để sửa nhưng đến giờ nó vẫn chưa phải là tài sản của tôi. Bây giờ tôi muốn kiện nhưng không biết kiện ai. Tôi nhờ luật sư tư vấn thì họ bảo kiện ông Hải không được vì hợp đồng mua bán nhà đã xong, hai bên không có tranh chấp. Kiện Cục Thi hành án dân sự TP cũng không được vì cơ quan này viện dẫn vào Thông tư 14 cho rằng mình làm đúng.
Bà Phan Thị Ngọc Anh
|
Thanh Tùng
pháp luật tphcm
|