Dọn đường cho vốn ngoại
Nguồn tin của TBKTSG cho biết dự thảo mở ra khả năng thúc đẩy sự phát triển các công ty quản lý quỹ nội địa. Sẽ có lợi cho thị trường rất nhiều một khi các công ty quản lý quỹ nội địa có thể quản lý các quỹ 100% vốn nước ngoài.
Cổ phiếu niêm yết đang là một trong những đích đến của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài
|
Trong khi Công ty Quản lý nợ và Mua bán tài sản (VAMC) vẫn chưa chính thức hoạt động, thì sự chuyển động của các chủ thể trên thị trường tài chính ngày một bận rộn. Tổng giám đốc một tổ chức tài chính nhiều năm kinh doanh trái phiếu buông tiếng thở dài: “Lợi tức trái phiếu chính phủ chỉ còn 6%/năm, y như năm 2007”. Ông nhận xét ở Mỹ nơi lạm phát dự báo 4%/năm, người ta vẫn mua trái phiếu chính phủ với lãi suất 2%/năm, nhưng Việt Nam không thể như thế. Việt Nam là thị trường cận biên, nơi rủi ro cao tồn tại song song với lợi nhuận cao. Không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ, trái phiếu vẫn là thứ hàng hóa phải có của các tổ chức tài chính, song ông đang cân nhắc giảm bớt tỷ lệ sở hữu trái phiếu và bỏ tiền vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn, chẳng hạn cổ phiếu.
Cổ phiếu niêm yết đang là một trong những đích đến của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán HCM, trong năm tháng đầu năm, tổng giá trị mua vào của nước ngoài 119,312 tỷ đồng, bán ra 14,042 tỷ đồng, tức mua ròng 5,270 tỷ đồng, tương đương 251 triệu đô la Mỹ. Nếu 1 thương vụ gần đây nhất, Quỹ đầu Warburg Pincus đã ký thỏa thuận 200 triệu đô la Mỹ để nắm giữ 20% cổ phần của Vincom Retail, một công ty con của Vingroup (VIC-HOSE), thì 450 triệu đô la Mỹ FII đã chảy vào sàn, một con số không hề nhỏ.
Trên thị trường private equity (doanh nghiệp tư nhân, chưa niêm yết) các đối tác ngoại bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với ngân hàng cổ phần và những doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận cao. Một số quỹ đầu tư đặt vấn đề trở thành cổ đông của một số ngân hàng. Kỳ vọng nới “room” cho ngành ngân hàng đang được thảo luận ở nhiều cuộc gặp gỡ. Đại diện một quỹ đầu tư tầm cỡ nước ngoài cho biết kể từ năm 2007, không có thời điểm nào đầu tư vào Việt Nam thuận lợi như hiện nay. Một ngân hàng cổ phần hàng đầu năm 2007 có giá cao nhất lên tới tỷ đô la Mỹ, nhưng hiện nay chỉ khoảng 800 triệu đô la Mỹ căn cứ vào thị giá cổ phiếu trên sàn. Một sự giảm giá quá ấn tượng, trong khi tổng tài sản của ngân hàng hầu như không thay đổi.
Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng bậc trung cho biết ông tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua và họ đang đặt mức lợi nhuận thu về bình quân 25%/năm từ thị trường Việt Nam. Đây là đòi hỏi cao, tuy nhiên lại không phải là bất khả thi với một thị trường có độ biến động dữ dội như Việt Nam.
Giới đầu tư ngoại, nhất là các tổ chức trong lĩnh vực M&A, đang tập trang sự chú ý vào dự thảo sửa đổi Quyết định 55 về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết, chứng khoán. Theo nguồn tin đáng tin cậy, bản dự thảo lần cuối đã được hầu hết các bộ, ngành thông qua, kể cả Bộ Tư pháp. Việc sửa đổi lần này được đánh giá cởi mở, có quy định chi tiết đến từng đối tượng như doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, được coi như cú hích nặng ký để thu hút dòng vốn FII.
Vừa qua, mặc dù Việt Nam đã cho phép nước ngoài sở hữu 100% công ty chứng khoán, nhưng chưa có công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài nào hoạt động. Những công ty trên sàn như SSI, HCM đều luôn đầy “room” và chỉ được giới hạn ở tỷ lệ 49%. Nêu muốn chuyển thành sở hữu nước ngoài với tỷ lệ cao hơn, các doanh nghiệp trên phải hủy niêm yết. Với những đơn vị ngoài sàn, việc nước ngoài làm thế nào gom cho đủ 100% cổ phần một công ty chứng khoán cũng không dễ dàng. Bao giờ cũng có những nhà đầu tư nội địa không bán, trong khi giả sử nước ngoài nắm giữ 99.99% cổ phần công ty chứng khoán, chỉ thiếu 1 cổ phiếu thôi, cũng không thể chuyển nó thành doanh nghiệp vốn ngoại hoàn toàn. Dự thảo lần này sẽ tháo gỡ vướng mắc ấy.
Nguồn tin của chúng tôi cũng cho biết dự thảo mở ra khả năng thúc đẩy sự phát triển các công ty quản lý quỹ nội địa. Lâu nay các công ty quản lý quỹ nội địa khá khó khăn trong việc huy động vốn trong nước và nhánh nhỏ của kênh huy động vốn cho thị trường chứng khoán này không phát huy được thế mạnh như nó vốn có ở các quốc gia khu vực. Sẽ có lợi cho thị trường rất nhiều một khi các công ty quản lý quỹ nội địa có thể quản lý các quỹ 100% vốn nước ngoài.
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, dự thảo để ngỏ khả năng Chính phủ sẽ xem xét, phê duyệt tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với từng trường hợp cụ thể một khi vượt quá “room” hiện tại là 30%. Quy định mới này nếu được thực hiện sẽ giúp tăng tốc quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Những ghi nhận trên thị trường OTC gần đây cho thấy giá chuyển nhượng quyền sở hữu ngân hàng giữa các tổ chức và các nhóm nhà đầu tư đang gia tăng và tỷ lệ cổ phần chuyển nhượng càng lớn, giá càng cao. Tính ra giá giao dịch mỗi cổ phiếu của một số ngân hàng nhỏ còn cao hơn thị giá cổ phiếu một sô ngân hàng đang niêm yết.
Thực tế này được giải thích là do sức hấp dẫn của việc có thể nắm giữ cổ phần chi phối ở những ngân hàng nhỏ, nơi mà các cổ đông có thể chuyển nhượng cho nước ngoài nếu điều kiện cho phép trong thời gian tới. Trong khi những ngân hàng niêm yết đều là những tổ chức tín dụng quy mô, giữ vị trí trọng yếu trong hệ thống tài chính và việc sở hữu cổ phần chi phối tại đây là rất khó xảy ra.
Hải Lý
TBKTSG
|