Thứ Tư, 05/06/2013 16:11

Vi phạm trên TTCK sắp bị phạt nặng hơn

Ngày 9/5 vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 85/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành.

Nâng mức phạt tiền tối đa

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, điểm mới của dự thảo Nghị định so với quy định hiện hành là quy định mức phạt tiền theo phần trăm (từ 1 - 5% tổng số tiền huy động trái pháp luật) và theo số lần (từ 1 - 5 lần khoản thu trái pháp luật) đối với 3 hành vi: xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có sự giả mạo; chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa có Giấy chứng nhận chào bán và hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật. Các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Dự thảo quy định tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm như: không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật; hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán khi chưa được UBCK cấp giấy phép hoặc chấp thuận đều chịu mức phạt từ 200 - 300 triệu đồng. Hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, hồ sơ niêm yết có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng bị phạt từ 300 - 400 triệu đồng. Mức phạt từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng áp dụng đối với hành vi giao dịch nội bộ. Trong khi hành vi thao túng TTCK bị phạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng, thì hành vi tổ chức TTCK trái pháp luật bị phạt từ 1,8 - 2 tỷ đồng…

Thêm chế tài đối với hành vi vi phạm mới

Dự thảo bổ sung các hành vi vi phạm mà Nghị định 85/2010 chưa có chế tài xử lý. Cụ thể, đối với hoạt động chào bán chứng khoán: bổ sung hành vi vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ thông qua của tổ chức phát hành là công ty đại chúng; bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước, phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài…

Các vi phạm về quản trị công ty tại các công ty đại chúng, theo UBCK đang diễn ra ngày càng nhiều, mà điển hình là các vi phạm: hạn chế cổ đông tham dự và uỷ quyền tham gia ĐHCĐ; vi phạm trình tự, thủ tục tổ chức ĐHCĐ… Tuy nhiên, mức phạt đối với hành vi vi phạm này hiện rất nhẹ, nên không đảm bảo tính răn đe. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Nghị định nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về quản trị công ty, đồng thời quy định việc xử phạt đối với các cá nhân là thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người được uỷ quyền công bố thông tin của công ty đại chúng vi phạm quy định về quản trị công ty như: hành vi không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty; vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến công ty (phạt từ 50 - 70 triệu đồng); phạt từ 70 - 100 triệu đồng đối với vi phạm quy định pháp luật về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của ĐHCĐ, HĐQT, ban kiểm soát...

Về niêm yết chứng khoán, dự thảo bổ sung quy định xử phạt đối với tổ chức phát hành Việt Nam vi phạm các quy định về niêm yết chứng khoán tại Sở GDCK nước ngoài: xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo về đăng ký niêm yết chứng khoán tại nước ngoài có thông tin sai lệch; không nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại nước ngoài, hoặc niêm yết chứng khoán tại Sở GDCK nước ngoài khi chưa được UBCK chấp thuận...

Đối với hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ, dự thảo bổ sung hành vi vi phạm quy định về nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐT cá nhân của CTCK; hành vi vi phạm quy định về tư vấn đầu tư chứng khoán của công ty quản lý quỹ; bổ sung các hành vi vi phạm quy định về quỹ đầu tư bất động sản…

Về hoạt động chào mua công khai, ngoài xử lý vi phạm các cá nhân, tổ chức, dự thảo Nghị định quy định xử phạt đối với CTCK làm đại lý chào mua công khai vi phạm quy định về chào mua công khai. Bên cạnh nâng mức xử phạt bằng tiền, dự thảo còn quy định một số hình thức xử phạt bổ sung gồm: buộc thực hiện chào mua công khai theo phương án đã đăng ký; buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết đối với số cổ phần có được từ hành vi vi phạm chào mua công khai và phải chuyển nhượng số cổ phần đó để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định pháp luật.

Các vi phạm về báo cáo và công bố thông tin, ngoài bị xử phạt bằng tiền, dự thảo còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với tổ chức vi phạm là CTCK, công ty quản lý quỹ nếu vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin.

Bổ sung thẩm quyền xử phạt

Một điểm mới khác trong dự thảo là quy định thẩm quyền xử phạt mới cho Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của UBCK, đồng thời nâng thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra UBCK và Chủ tịch UBCK.

Theo đó, Chánh thanh tra UBCK, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của UBCK có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền không quá 100 triệu đồng đối với tổ chức, 50 triệu đồng đối với cá nhân và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định. Chủ tịch UBCK có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền từ 1 - 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán giả mạo; phạt tiền từ 1 - 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng không đăng ký với UBCK và hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái pháp luật; phạt tiền đến mức tối đa 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân có các hành vi vi phạm khác được quy định tại Nghị định và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả...

Hữu Hòe

Đầu Tư Chứng Khoán

Các tin tức khác

>   “Cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0” (03/06/2013)

>   Bàn về mô hình thị trường phái sinh ở Việt Nam (01/06/2013)

>   Xếp loại công ty quản lý quỹ, nhìn từ gốc vấn đề (29/05/2013)

>   HNX: Các chỉ số giá sẽ tính chung một phương pháp (23/05/2013)

>   Không ưu đãi thuế, quỹ mở phải… khép (21/05/2013)

>   Khối ngoại có thể được sở hữu vượt “room” ngân hàng nội? (20/05/2013)

>   SAV: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (10/05/2013)

>   HNX30: Loại PVI và PV2, thêm SHS và FLC từ 2/5/2013 (18/04/2013)

>   Hỗ trợ pháp lý tài chính cho doanh nghiệp (27/03/2013)

>   DID: Được chấp thuận nguyên tắc niêm yết bổ sung cổ phiếu (02/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật