Thứ Sáu, 21/06/2013 08:18

Đại gia địa ốc: 'Tôi chỉ còn nước chưa tự tử'

Xoay xở đủ cách để tồn tại trong thị trường, nhưng nhiều ông chủ địa ốc đều phải thốt lên “Khó khăn quá, chắc cứ thế này thì chỉ còn nước đi tự tử”.

Cả năm không kiếm được 1 đồng nào

Tâm sự với chúng tôi, ông C., Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản không ngần ngại khi nói về mức thu nhập của công ty ông hơn 1 năm qua.

Doanh nghiệp của ông C. trước đây khá đình đám trong giới bất động sản, là một sàn khá uy tín, chuyên phân phối nhiều dự án lớn ở Hà Nội.

Đại gia địa ốc: "Chỉ còn nước chưa tự tử"

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm nay, sàn của ông đã phải di dời địa điểm tới 3 lần vì không chịu được sức ép về giá thuê. Trước kia sàn của ông rất rộng, khoảng 500 m2, nằm ngay ở trên mặt đường Kim Mã (Hà Nội). Sau đó, sàn của ông bị thu hẹp lại, diện tích chỉ còn hơn 100m2 nằm ở khu vực Đội Cấn.

Và bây giờ diện tích là 200 m2 nhưng ở một vị trí khá xa trung tâm là đường Lê Văn Lương kéo dài, gần khu đô thị Dương Nội.

“Cả năm nay, tôi xoay xở đủ cách, từ việc mở thêm quán cà phê, đồ ăn nhanh ngay tại sàn bất động sản đến kinh doanh bãi đỗ xe, nhưng vẫn không kiếm đủ tiền nuôi nhân viên. Nhân viên của tôi vừa tư vấn bất động sản, vừa kiêm luôn bồi bàn, nhưng thu nhập hàng tháng rất bèo bọt, chưa đến 3 triệu đồng/tháng”, ông C. nói.

Theo ông C., người mua bất động sản bây giờ không chỉ không có tiền, mà quan trọng nhất là niềm tin của họ cũng đã mất, mọi người hỏi han, nghe ngóng bất động sản cũng giống như họ quan tâm đến một cô ca sỹ ăn mặc hở hang hay bị “lộ hàng”. Họ chỉ hỏi cho vui, còn xuống tiền mua nhà đất thì là câu chuyện rất khó.

“Tính ra cả năm ngoái tôi làm việc cật lực, vất vả, nhưng vẫn nợ thêm đến hàng tỷ đồng. Trong đó, tiền lương cho nhân viên cũng lên đến vài trăm triệu. Đấy là còn chưa kể đến tiền thuê văn phòng, tiền duy trì hoạt động và nhiều khoản tiền khác nữa”, ông C. chia sẻ.

Vị đại gia này cũng không ngần ngại cho biết: “Nếu cứ đà này, nay mai tôi phải đóng cửa sàn đi trốn nợ mất. Tình hình kinh tế khó khăn quá. Chắc tôi chỉ còn nước là chưa đi tự tử”.

Cho nhân viên nghỉ luân phiên

Cũng bi đát như trường hợp của ông C., ông N.C.Đ cũng từng nổi tiếng là một đại gia chịu chơi trong giới bất động sản khi đổi đời xe đến chóng mặt.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, vị đại gia này trở nên trầm lặng và kín tiếng hơn. Vô tình gặp lại ông trong một bữa ăn trưa bình dân, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi vị đại gia phong độ ngày nào, giờ cũng “trầm lặng” đến khó hiểu.

Tôi vẫn còn nhớ cái cách nói chuyện rất hùng hồn của ông. Ngoài khả năng ăn nói dõng dạc, ông còn gây ấn tượng đặc biệt với tôi bởi cách vung tay vung chân rất hùng hồn.

Thế mà giờ đây, ông ít nói hẳn. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là ông xuất hiện ở 1 quán ăn khá bình dân và cả bữa cơm ông chỉ lặng lẽ ngồi ăn và nghe ngóng. Ông nói chuyện cũng rất khiêm tốn, lúc nào cũng lắc đầu kêu “Khó khăn quá!”.

Ngoài một số dự án ở Hà Nội, TP HCM, ông còn có một số dự án khác ở Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Trước đây, thời kỳ bất động sản “sốt nóng”, ông từng kiếm bộn tiền nhờ 2 dự án lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm không gặp, vị đại gia này đã thay đổi khá nhiều.

Ông kể, sau khi đầu tư thành công ở Hà Nội, ông đầu tư thêm một số nơi khác như Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư này không hiệu quả. Lý do vì thị trường chung đi xuống, nhưng một phần do ông không nghiên cứu kỹ, đầu tư theo phong trào, nên không hiểu được thị trường cũng như nhu cầu của người dân tại các tỉnh này.

“Tôi đầu tư một khu đô thị ở Chí Linh (Hải Dương) khá tốn kém, nhưng đến giờ đất vẫn để đấy, không ai mua. Cả năm may mắn lắm thì bán được 2 suất, mỗi suất 100m2, thu về khoảng 300 triệu đồng. Số tiền này không đủ để tôi trả lương cho 10 cán bộ của công ty ở đó”, ông Đ. kể.

Cũng theo ông Đ., hiện công ty của ông đang rất khó khăn. Không có đủ tiền để trả lương cho nhân viên, ông phải cho nghỉ luân phiên. Tức là người này đi làm tháng này thì tháng sau nghỉ, để nhường cho người khác.

“Lương nhân viên tôi cũng đã nợ cả nửa năm nay chưa trả. Tình hình khó khăn chung nên nhiều nhân viên vẫn đành phải nhắm mắt đi làm với đồng lương bèo bọt”, ông Đ. nói.

Nói về kế hoạch sắp tới, ông Đ. cho biết, chắc sẽ đóng cửa công ty, bán nhà và xe đi để trả hết lương nhân viên. Còn các dự án đang dang dở sẽ chuyển nhượng lại để lấy tiền trả nợ bớt ngân hàng.

“Đấy là kế hoạch thôi. Chứ thực hiện được khó khăn lắm. Thời nay muốn kiếm người nhận chuyển nhượng dự án của mình đâu có dễ. Không chuyển nhượng được thì lại phải gồng mình bám trụ, chờ thị trường tốt lên thôi, chứ biết làm sao được”, ông Đ. thở dài ngao ngán nói.

Châu Anh

vtc

Các tin tức khác

>   Hà Nội khảo sát, xây dựng bảng giá đất năm 2014 (20/06/2013)

>   Kinh doanh TTTM, hướng đi nào bền vững trong khủng hoảng? (20/06/2013)

>   Biệt thự triệu đô cho thuê giá... nhà trọ (20/06/2013)

>   Khu công nghệ cao Hoà Lạc 15 năm chưa xong mặt bằng (20/06/2013)

>   Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7 (20/06/2013)

>   Khó mua nhà ở xã hội (20/06/2013)

>   Rao bán biệt thự công ở Đà Lạt (20/06/2013)

>   Doanh nghiệp nhà Cường đô la đối mặt hàng chục vụ kiện (20/06/2013)

>   Quốc hội tán thành, biểu quyết thông qua bốn Luật (19/06/2013)

>   Tiếp tục hoãn xử vụ án lừa bán đất tại Dự án Thanh Hà (19/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật