Kinh doanh TTTM, hướng đi nào bền vững trong khủng hoảng?
Chẳng khó để nhận xét rằng việc kinh doanh mặt bằng bán lẻ vốn là một thị trường siêu lợi nhuận nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng chẳng dễ để có thể tìm được một mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá trong lĩnh vực này.
Chỉ trong vòng hai năm chúng ta đã chứng kiện sự xuất hiện rồi “lặn mất” của rất nhiều Trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội.
Sân chơi hẹp với nhiều đối thủ
Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều Trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội ra đời trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thời kì khó khăn do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong nước và toàn cầu. Trong khi các doanh nghiệp khác bắt đầu tính đến việc thu hẹp sản xuất, ngân hàng thực hiện chính sách mạnh tay thắt chặt tín dụng, người tiêu dùng tỏ rõ xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn … thì những cái tên như Parkson Keangnam, Pico Mall, Indochina Plaza, Hàng Da Galleria, Grand Plaza liên tục ra đời làm nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng mạnh tạo ra một sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt.
Trong kinh doanh, ngoài yếu tố mạnh được, yếu thua thì thời cơ cũng là một yếu tố then chốt để quyết định thắng bại nhưng với một cuộc đua đòi hỏi sự bền bỉ, chuyên nghiệp như cho thuê mặt bằng bán lẻ thì mọi chuyện lại diễn biến theo một hướng khác.
Lấy ví dụ điển hình là TTTM Grand Plaza, một thời TTTM này đã từng là một ứng của viên sáng giá cho vị trí dẫn đầu thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội. Với lợi thế nằm trong một tổ hợp khách sạn, tòa nhà văn phòng sang trọng, hiện đại bậc nhất thủ đô thì TTTM này được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tiềm năng khai thác. Thế nhưng chỉ sau hơn hai năm hoạt động, việc kém thân thiện với giao thông công cộng và sự bất lợi về địa thế của TTTM này bắt đầu bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục. Chủ đầu tư đồng thời là nhà quản lý chung khu tổ hợp - Tập đoàn Charmvit tỏ rõ sự thiếu hiệu quả của mình khi chưa đặt lợi ích của khách thuê và khách hàng vào vị trí trung tâm khiến cho Ban điều hành của TTTM Grand Plaza gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc vận hành TTTM.
Dừng lại cho một khởi đầu mới
Những lý do từ khách quan đến chủ quan đã khiến cho Ban điều hành TTTM Grand Plaza đưa ra một quyết định được đánh giá là dũng cảm trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa được vực dậy sau khủng hoảng, đó là “tạm dừng kinh doanh để tái cơ cấu”, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm.
Có lẽ “dừng lại để bước tiếp” là một quyết định đúng đắn vì chỉ ngay sau đó không lâu Ban điều hành TTTM đã công bố một phương án kinh doanh mới là cho thuê toàn bộ hoặc từng tầng diện tích mặt bằng tại Grand Plaza thay vì cho thuê từng gian hàng nhỏ lẻ như mô hình của nhiều TTTM khác.
Với những thay đổi về chiến lược và hành động của Ban điều hành TTTM Grand Plaza, chúng ta có thể hình dung được giới doanh nghiệp đang rất năng động để tìm cho mình một hướng đi mới và có thể đây chính là một tín hiệu tốt cho các TTTM khác nhìn nhận lại hướng đi của mình. Chúng ta cũng có thể hi vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế khi mà còn rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng lĩnh bước tiên phong.
Hải Linh
vietnamnet
|