Công ty cổ phần nặng 'vía' DNNN
DNNN được cổ phần hóa, các DN có góp vốn của cổ đông nhà nước dù đã là DN cổ phần, đại chúng nhưng vẫn còn nặng bóng dáng và cách hành xử chưa phù hợp với một công ty đại chúng.
Cuối tháng 5, Công ty Hacisco đã phải giải trình với các cơ quan chức năng về việc chậm công bố thông tin thay đổi thành viên HĐQT.
Theo đó, HAS thừa nhận chậm công bố thông tin thành viên HĐQT ông Huỳnh Song Trà từ nhiệm. Lý do là do sự thiếu sót của bộ phận văn thư đã thiếu kiểm tra khi chuyển văn bản nghị quyết trên cho bưu điện gửi đi chậm so với quy định.
Trước đó, tại đại hội cổ đông hôm 24/5, cổ đông đến dự họp khá bất ngờ khi biết đại hội sẽ chỉ bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT, thay vì 2 như trước đó và không có thêm ai từ nhiệm. Nhiều người thậm chí còn không biết có “mục” bầu thành viên này do thông tin được công bố khá chậm.
Một số cổ đông tại đại hội cho biết, về nguyên tắc DN phải đưa bản dự thảo trước một tuần nhưng đến tận đêm ngày 21/5 DN mới “post” lên trang web bản dự thảo họp đại hội cổ đông với dự kiến bầu 2 vị trí vào HĐQT. Và đến chiều ngày 23/5, tức chỉ mười mấy tiếng đồng hồ trước khi đại hội, DN mới đưa lên dự thảo mới, chỉ bầu 1 vị trí thành viên.
Đây có lẽ là lý do khiến đại hội cổ đông HAS 2013 gặp một tình huống hy hữu khi ông Trần Chính Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng Viễn thông Miền Nam được cổ đông lớn, ông Robert Alexander Stone đề cử xin rút khỏi danh sách ứng cử viên HĐQT. Điều này khiến đại hội suýt phải in lại nếu không tận dụng phiếu bầu cũ.
Được biết, ông Nghĩa xin rút do dự thảo mới công bố ngay liền trước ngày đại hội đã rút từ bầu 2 thành viên mới xuống còn 1 nên ông xin rút khỏi danh sách ứng viên.
Với danh sách ứng viên chỉ còn duy nhất 1 người, ông Tô Dũng Thái - Phó Giám đốc Viễn thông Hà Nội do VNPT để cử đã trúng cử trở thành thành viên của HĐQT.
Sau đại hội, HAS có 5 thành viên HĐQT, trong đó có tới 3 là đại diện của VNPT - đơn vị đang nắm giữ khoảng 28% vốn của HAS. Hai cổ đông lớn là ông Robert (hơn 12%) và ông Phạm Minh Tuấn (hơn 5%) đều không nằm trong HĐQT.
Hiện tượng cổ đông lớn nắm quyền chi phối là điều hiển nhiên. Mặc dù vậy, việc chi phối quá lớn so với tỷ lệ nắm giữ trong khi DN làm ăn không thực sự hiệu quả khiến không ít người đặt ra câu hỏi về vai trò của những người lãnh đạo.
Gần đây, không ít các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi đa ngành, thoái vốn khỏi các đơn vị làm ăn không hiệu quả như EVN, PVN, Viettel, Vinalines, VNPT… Theo đó, sau giai đoạn bị lâm vào khủng hoảng năm 2007 - 2008, các tập đoàn đã phải thoái vốn ngoài ngành nhưng việc này không dễ vì phải chờ TTCK hồi phục và tranh thủ những đợt thị trường tăng điểm để thoái vốn.
Nhiều DNNN muốn bán cổ phần tại các đơn vị thành viên theo mệnh giá, theo giá trị sổ sách hoặc cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ hiệu quả của nhiều DN mà các tập đoàn, TCT có vốn vẫn đang hoạt động khá kém hiệu quả.
Năm 2011, Hacisco chỉ đạt lợi nhuận hơn 500 triệu đồng (không hoàn thành kế hoạch); năm 2012 lại mong manh lãi 4,9 tỷ hay lỗ hơn 16 tỷ đồng nếu trích lập dự phòng theo đúng ý kiến kiểm toán.
Điểm mà nhiều cổ đông và nhà đầu tư thắc mắc là tại sao một DN xây dựng có lợi thế trong ngành viễn thông, có lượng tiền mặt lên tới vài chục tỷ, có quỹ đất cộng với văn phòng cho thuê lớn với tiền lãi gửi ngân hàng, tiền cho thuê văn phòng lên tới 6-7 tỷ đồng/năm mà làm ăn vẫn lẹt đẹt. Thậm chí, DN này có thể thua lỗ lên tới trên 20% vốn điều lệ nếu trích lập theo đúng ý kiến của kiểm toán.
Có thể thấy, hoạt động của nhiều DN có vốn DNNN, lãnh đạo người DNNN mà vai trò lãnh đạo chưa được thể hiện. Có những DN vốn phần lớn là của cổ đông nhưng cơ cấu HĐQT là người của Nhà nước quản lý cũng đã cho thấy nhiều bất lợi. Việc không minh bạch, không hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi các cổ đông, trong đó có cả DNNN.
Phải chăng đây là lý do khiến cho quá trình thoái vốn của các DN trở nên khó khăn hơn. Nhiều DNNN không thể thoái vốn hoặc cũng có thể không muốn thoái vốn vì nhiều lý do như: thua lỗ; sợ lộ ra thua lỗ lớn; sợ mất quyền lợi…
Huấn Tú
diễn đàn kinh tế việt nam
|