Chính phủ Anh bắt đầu bán cổ phần ngân hàng Lloyds
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết Chính phủ nước này bắt đầu
bán cổ phần tại ngân hàng Lloyds Banking Group (Lloyds), đồng thời cân nhắc việc
tách Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS).
Quyết định trên là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ kế hoạch quốc hữu hóa một
phần các ngân hàng của Anh nhằm khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính năm
2008 đã thành công.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của giới tài chính ở London, ông Osborne
cho rằng các biện pháp giải cứu ngành ngân hàng của chính phủ đã mang lại kết
quả đáng khích lệ. Sự phục hồi của các ngân hàng Anh đã tạo điều kiện thuận lợi
để chính phủ có thể rút dần khỏi khu vực này và quay lại tiến trình tư nhân hóa.
Hiện Chính phủ Anh nắm 39% cổ phần tại ngân hàng Lloyds và 81% cổ phần tại
RBS. Việc bán cổ phần tại Lloyds sẽ khả thi hơn tại RBS, bởi giá cổ phiếu Lloyds
được giao dịch trên thị trường cao hơn mức đề xuất bán (61,2 xu Anh).
Ông Osborne thừa nhận việc bán cổ phần tại RBS vẫn còn là chặng đường dài và
chưa được quyết định.
Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiến hành khảo sát kỹ lưỡng nhằm tách ngân hàng RBS
thành hai nhánh, một bên là "ngân hàng tốt" để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn
của các doanh nghiệp và hộ gia đình, một bên là "ngân hàng xấu" chuyên xử lý các
khoản nợ tồn đọng từ năm 2008, thời điểm thể chế tài chính này đứng trước nguy
cơ phá sản.
Dự kiến, quyết định chia tách RBS sẽ được đưa ra vào mùa Thu này sau khi hoàn
tất quá trình khảo sát.
Theo ông Osborne, việc chia tách ngân hàng "xấu", ngân hàng "tốt" không có
nghĩa là sẽ có thêm vốn được bơm vào ngành ngân hàng hoặc chính phủ nắm cổ phần
lớn hơn.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng 2008, Anh đã phải bơm 66 tỷ bảng (khoảng 103
tỷ USD) để giải cứu ngành ngân hàng./.
Lê Phương
Vietnam+
|