Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến:
Thoái vốn không chờ thị trường
Lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đi được gần một nửa chặng đường. Nhiều người tỏ ra sốt ruột vì hình như đang “dậm chân tại chỗ”. Trên thực tế, đã có những kết quả bước đầu khả quan và đường hướng đang dần rõ nét. Ông Đặng Quyết Tiến đã trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan về vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến
|
Ông có thể cho biết tình hình thoái vốn tại các DNNN hiện nay ra sao và đã có những kết quả đáng mừng nào?
Đến cuối năm 2012 đã có 138 đơn vị xây dựng Đề án tái cơ cấu và có 49 đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, trong đó có phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính. Theo số liệu thống kê của 90 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), có 42 TĐ, TCT đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng với giá trị ước tính đến 30-9-2012 là 22.405 tỷ đồng.
Trong thời gian triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg của Chính phủ, một số TĐ, TCT đã báo cáo việc thoái vốn như sau: TĐ Điện lực đã thoái vốn tại Công ty CP BĐS Điện lực Nha Trang là 1.079 triệu đồng. TĐ Bưu chính Viễn thông thoái vốn tại Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam là 4.440 triệu đồng. Tổng công ty Thép thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là 61.500 triệu đồng. Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Quỹ Vietcombank 3 là 40.000 triệu đồng.
Điều này cho thấy thay vì chờ kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán thoát đáy, các DNNN đã sẵn sàng nhập cuộc thoái vốn.
Mừng là vậy nhưng cũng còn không ít nỗi lo. Bởi nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn nhất là các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính… nên việc bán các khoản đầu tư của các TĐ, TCT khó thực hiện bảo toàn vốn trong tình hình này, thưa ông?
Đúng vậy! Theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ, việc thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Theo nguyên tắc này, khi bán giá trị các khoản đầu tư phải bảo toàn vốn, không được thất thoát vốn. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên việc bán các khoản đầu tư khó thực hiện bảo toàn vốn.
Tại Đề án cơ cấu của các TĐ, TCT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu và lộ trình tổng quát cho việc thoái vốn khỏi lĩnh vực nhạy cảm, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, khó khăn mà các DN gặp phải là bối cảnh thị trường tài chính hiện nay không thuận lợi nên việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn, đối tác chuyển nhượng bị hạn chế.
Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư ra ngoài DN dưới hình thức góp vốn cổ phần thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty liên doanh bị hạn chế về việc giao dịch cổ phần cũng như các điều khoản ràng buộc của hợp đồng. Ngoài ra, việc thực hiện thoái vốn đầu tư tại các DN hiện nay còn phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Ví dụ như theo Điều 21 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán thì điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn trong công ty đại chúng phải là cổ phiếu của DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán...
Như vậy, DN có cổ phiếu mà các TĐ, TCT đang có vốn góp dự kiến phải thoái vốn cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định. Với tình hình kinh tế trong thời gian qua sẽ tác động tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN (có thể có lỗ năm trước liền kề hoạch lỗ lũy kế) dẫn tới việc thoái vốn của một số TĐ, TCT trong công ty đại chúng rơi vào tình trạng này không thực hiện vì không đảm bảo đủ các điều kiện.
Còn nhớ trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính gần đây, ông có nhắc đến các khoản trích lập dự phòng rủi ro mà các DNNN phải thực hiện. Có nghĩa, đây sẽ là cứu cánh để bảo toàn vốn?
Trên thực tế, nếu DN thực hiện đầy đủ theo những quy định như cơ chế phòng ngừa rủi ro để bảo toàn vốn, về trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, mua bảo hiểm đầu tư rủi ro thì họ luôn có đủ nguồn để bảo toàn vốn. Nếu không thực hiện trích lập dự phòng vì tăng chi phí, giảm lợi nhuận thì DN sẽ đối mặt với rủi ro và lãi giả, lỗ thật.
Trong trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư thấp hơn giá trị đã đầu tư thì doanh nghiệp phải dùng nguồn dự phòng đã trích lập để bù đắp và phần còn lại hạch toán vào kết quả kinh doanh chung. Việc tính toán bảo toàn vốn Nhà nước được xem xét trên tổng thể các hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các khoản chuyển nhượng thấp hơn giá trị đã đầu tư cũng cần xem xét đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để thực hiện bồi thường thiệt hại (nếu có).
Vậy trong trường hợp DN không trích lập dự phòng thì xử lý thế nào, thưa ông?
Trường hợp DN không thực hiện đúng chế độ quy định thì cơ quan đại diện chủ sở hữu cùng các cơ quan tài chính sẽ yêu cầu DN thực hiện đúng quy định để phản ánh đúng thực trạng tài chính của DN. Đồng thời theo cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả thì DN sẽ không được xếp loại A, Ban lãnh đạo được xác định chưa hoàn thành nhiệm vụ và có thể sẽ phải miễn nhiệm hoặc sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo DN.
Được biết “hành lang pháp lý” trợ giúp cho các DN thoái vốn đã được Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, ông có thể cho biết, Bộ Tài chính đã chuẩn bị gì để giúp đỡ các DN xử lý khó khăn phát sinh trong quá trình thoái vốn?
Về cơ chế để DN thực hiện thoái vốn đúng là trên thực tế đã có nhiều quy định tại các văn bản như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và đặc biệt là văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính DN có vốn Nhà nước. Phương thức thoái vốn của các DNNN đầu tư vào DN khác đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC hướng dẫn có chế tài chính của công ty TNHHMTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đặc biệt, để triển khai thoái vốn ngoài ngành khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn cụ thể việc xây dựng phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015. Theo đó, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và kèm theo đó là các cơ chế về tài chính cần thực hiện một cách thận trọng và xem xét cụ thể đối với mỗi TĐ, TCT Nhà nước.
Việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì các TĐ, TCT lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể theo đúng tinh thần Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhằm giúp đỡ các DN xử lý khó khăn trong quá trình thoái vốn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục rà soát các văn bản quy định có liên quan đến công tác thoái vốn trình cấp có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện thực hiện đúng lộ trình và các nguyên tắc đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Minh Anh
hải quan
|