Thứ Sáu, 31/05/2013 15:36

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ La tinh còn khiêm tốn

Theo Bộ Công thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đạt trên 5,5 tỷ USD năm 2012, chiếm 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các nước Mỹ La tinh mạnh mẽ và thường xuyên hơn nữa.

Mặc dù gặp trở ngại lớn vì vị trí địa lý nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Mỹ La tinh những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Kim ngạch thương mại hai bên tăng từ 245 triệu USD năm 2000 lên trên 5,5 tỷ USD vào năm 2012. Xét ở bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh tương đối cân bằng.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường này gồm giày dép, ba lô, hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, thiết bị, điện tử, đồ gỗ, điện - điện tử, cơ khí, động cơ điện, thiết bị máy móc; hàng thủy sản như cá tra, cá basa… với các thị trường chính như Mexico, Brazil, Cuba, Panama, Chile, Peru... Những năm gần đây, khối lượng hàng hoá xuất khẩu của nước ta hàng năm tăng khá nhanh đạt gần 2 tỷ USD/năm, nhưng còn chiếm thị phần nhỏ bé (0,18 %). Thị trường Mỹ La tinh được cho là còn nhiều cơ hội và khoảng trống mà hàng hóa của Việt Nam có thể thâm nhập.

Kim ngạch thương mại hai chiều còn khiêm tốn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vị trí địa lý cách xa nhau khiến cho chi phí vận tải, di chuyển lớn. Cũng vì khoảng cách “nửa vòng trái đất” nên thông tin thị trường, thông tin doanh nghiệp, thông tin hàng hóa giữa doanh nghiệp hai bên còn hạn chế. Hơn nữa, các nước khu vực này chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, gây khó cho các doanh nghiệp Việt trong việc liên hệ, tiếp cận đối tác và xử lý thông tin. Mặt khác, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tương đồng với các mặt hàng xuất khẩu của các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc nên vấp phải sự cạnh tranh gay gắt. Một tồn tại nữa là hiện nay nước ta chưa bố trí đầy đủ các tham tán thương mại tại tất cả các nước của khu vực này, những hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin vì thế chưa thật sự thường xuyên, đầy đủ.

Dù có nhiều khó khăn, nhưng tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ La tinh còn rất lớn. Theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương Trần Duy Đông, thị trường Mỹ Latinh có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu sản hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Thị hiếu của phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với điều kiện sản xuất của nước ta. Đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng các mặt hàng có lợi thế của nước ta như gạo, giày dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, máy tính, điện tử tin học, máy móc, cơ khí, vật liệu xây dựng, hóa chất, thực phẩm…

Những năm gần đây, Chính phủ đã tăng cường hợp tác, ký kết các Hiệp định trong khuôn khổ đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư, thuế quan với các thị trường khu vực Mỹ La tinh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp vào thị trường này.

Để tận dụng các lợi thế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang khu vực châu Mỹ La tinh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương Trần Duy Đông cho rằng, điểm mấu chốt là làm sao tăng cường thông tin và cập nhật thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên thông qua các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, ấn phẩm thương mại, website điện tử. Trong đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách và các quy định bổ sung sửa đổi về chính sách thương mại, tập quán buôn bán, tình hình cạnh tranh và nguy cơ kiện chống bán phá giá, kênh lưu thông phân phối, đầu mối nhập khẩu, nhu cầu, dung lượng thị trường, giá cả hàng hóa, động thái và biến động của thị trường, thị phần, thị hiếu, đối tác cạnh tranh, thông tin dự báo thị trường của khu vực Mỹ La tinh cho các doanh nghiệp Việt.

Đồng thời, tăng cường thông tin về Việt Nam cho doanh nhân khu vực Mỹ Latinh, tập trung quảng bá cơ hội kinh doanh, tiềm năng thị trường, hàng hóa của Việt Nam, giới thiệu tính ưu việt, giá cả của hàng hóa, kênh phân phối, phương thức hợp đồng, thủ tục thanh quyết toán, quy định vận chuyển, đặt hàng.

Cũng theo Phó vụ trưởng Trần Duy Đông, trong quá trình tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ La tinh, các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư cần giữ vai trò cầu nối trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, liên hệ và tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, tổ chức các buổi xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, đối tác cho các doanh nghiệp ở các lĩnh vực thế mạnh. Có cơ chế hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ chi phí và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt mang sản phẩm đi giới thiệu, triển lãm ở các thị trường khu vực Mỹ La tinh cũng như các doanh nghiệp Mỹ La tinh đến tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, cần có chính sách để nắm rõ được đối thủ xuất khẩu, tìm ra thế mạnh đặc trưng của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu.

Tự Cường

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Hàng không Việt Nam lấn sân sang Thái Lan (31/05/2013)

>   Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở Viettel: Những điều ít biết (31/05/2013)

>   Nhà đầu tư Thái: Vung vẩy đồng baht (31/05/2013)

>   Trái đắng cảng biển nước sâu FDI (31/05/2013)

>   MobiFone: “Độc lập” và “cổ phần hóa” (31/05/2013)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại (31/05/2013)

>   DN châu Âu lấy lại niềm tin vào thị trường Việt Nam (31/05/2013)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản than phiền thủ tục (31/05/2013)

>   Mức thuế chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam là vô lý (30/05/2013)

>   Doanh nghiệp nước sạch ở Hà Nội đề nghị tăng giá (30/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật