Thứ Tư, 22/05/2013 13:49

Thị trường VLXD: Rơi vào cảnh… chợ chiều

Khác với mọi năm, năm nay dù đã gần cuối tháng 5 nhưng do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án bị cắt giảm, nhiều người dân thắt chặt chi tiêu nên việc xây dựng nhà và sửa chữa bị đình lại. Do đó, thị trường Vật liệu xây dựng (VLXD) rơi vào cảnh… chợ chiều.

Những đợt nắng của những ngày đầu hè càng làm cho không khí thêm ngột ngạt và khó chịu hơn đối với những người kinh doanh VLXD.

Tại Hà Nội, trên các phố như: Trần Khát Chân, Đê La Thành, Cát Linh, Giải Phóng, Trần Duy Hưng… những người bán hàng VLXD đứng ngồi không yên, hầu hết đều ngán ngẩm, lo lắng vì… vắng bóng khách hàng.

Anh Lê Quang, chủ cửa hàng kinh doanh VLXD với các mặt hàng chủ yếu như: sắt, thép, xi măng, gạch, đá… trên phố Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: nếu như chừng này năm ngoái, các mặt hàng như: thép, xi măng, gạch, đá vẫn còn bán được, người mua về để xây và sửa nhà vẫn đông thì năm nay rất vắng khách.

“Thời điểm từ Tết ra cho đến giờ VLXD bán rất chậm, sức mua giảm sút một cách rõ rệt, tính ra giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu biết là kinh tế khó khăn nhưng không ngờ đến như vậy, nếu tình hình này còn kéo dài cầm chắc thua lỗ và phá sản mất”, anh Quang thở dài…

Trong khi đó, chị Nhàn, nhân viên cửa hàng bán gạch ốp lát, gạch trang trí, thiết bị vệ sinh… trên phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: khác với mọi năm, chừng này mua bán còn nhộn nhịp thì năm nay việc buôn bán đìu hiu. Chẳng có khách hàng lớn nào đến đặt hàng cả mà chỉ có lác đác các khách hàng nhỏ lẻ đến mua VLXD để sửa chữa nhà cửa…

Khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng kinh doanh VLXD như: sắt, thép, xi măng, gạch cho đến đồ trang trí nội thất, thiết bị vệ sinh, sơn… đều rơi vào cảnh ế ẩm trong suốt mấy tháng qua. Do đó, nhiều cửa hàng tồn đọng hàng và không xoay vòng vốn được, rơi vào hoàn cảnh khó khăn…

Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, tính chung trong gần 4 tháng qua, sức tiêu thụ của thị trường VLXD giảm sút từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng ngành xi măng, trong 3 tháng đầu năm, mức tiêu thụ chỉ đạt gần 11 triệu tấn, tương đương 19,54% so với kế hoạch đặt ra là từ 55 - 56 triệu tấn…

Không những vậy, các mặt hàng như: sắt thép, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, gạch, đá… cũng tiêu thụ hết sức chậm, nếu trong những tháng tới, tình hình không được cải thiện, thì nguy cơ sẽ dư thừa một lượng lớn hàng VLXD…

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực VLXD do thời gian qua gặp nhiều khó khăn, việc ách tắc đầu ra, vốn không có để xoay vòng, gặp bế tắc trong sản xuất kinh doanh nên đã phải bán tháo cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Điển hình là Prime, một thương hiệu lớn trên thị trường gạch ốp lát Việt Nam đã bán lại 85% cổ phần cho một tập đoàn của Thái Lan…

Theo các chuyên gia kinh tế, do kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn và việc thị trường bất động sản vẫn đóng băng đã khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh VLXD gặp nhiều khó khăn, khiến lượng hàng ế ẩm và tồn đọng.

Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng khởi động lại các dự án, ngoài ra cần tuyên truyền mạnh hơn nữa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các dự án lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương nên khuyến khích VLXD trong nước.

Ngoài ra, cần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng VLXD từ nước ngoài vào, các doanh nghiệp trong nước chú trọng giảm giá, nâng cao chất lượng...

Hoàng Bá

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tồn kho bất động sản: Nút thắt khó hóa giải (22/05/2013)

>   Tiêu chuẩn sống dưới 8m2 mới được ưu đãi mua nhà (22/05/2013)

>   Chuyển dự án nhà thương mại sang nhà xã hội: Quyết định là giá bán (22/05/2013)

>   Giá nhà giảm 22% so với thời "hoàng kim" (22/05/2013)

>   Ra mắt Ngân hàng Xây dựng, những điểm mới hỗ trợ thị trường (22/05/2013)

>   Thuế chuyển nhượng bất động sản, không làm khó người dân (22/05/2013)

>   Chênh lệch địa tô chưa được tính kỹ (22/05/2013)

>   Giao đất theo kiểu… rùa bò (21/05/2013)

>   Kiến nghị 3 mức gia hạn nộp tiền sử dụng đất (21/05/2013)

>   Người thuê, mua nhà xã hội chỉ nộp 5% thuế VAT (21/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật