Thứ Hai, 20/05/2013 08:35

“Thấm đòn” khai khoáng

Hoạt động khai khoáng đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy về kinh tế, đời sống và môi trường cộng đồng

Với một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản, công nghiệp khai khoáng từng được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam; tạo việc làm, tăng ngân sách cho địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng liên tục gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống.

Nhân tai

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PAN) vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Khoáng sản - phát triển - môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế”. Theo báo cáo, tại mỏ sắt xã Tân Pheo (huyện Đà Bắc - Hòa Bình) nằm trên sườn núi, PAN ghi nhận hoạt động khai thác đã ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu đất trong khu vực. Vào mùa mưa, đất đá từ núi trôi xuống suối và ruộng canh tác khiến độ sâu của suối giảm nghiêm trọng (từ 1 m xuống còn 0,2 m), thậm chí một số điểm bị lấp cạn.

Chưa hết, năm 2009, chủ đầu tư xây dựng dây chuyền tuyển quặng ướt, nước sau tuyển không được xử lý, thải trực tiếp vào suối và ruộng canh tác. Trong khi đó, hệ thống suối ở đây cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản cho hơn 800 hộ dân. Tại thời điểm khảo sát, nguồn lợi thủy sản gần như không còn, nước suối cạn và có màu nâu đặc trưng của ô-xít sắt. Quá trình tuyển quặng và sau tuyển quặng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn thiệt hại lớn về kinh tế của người dân.

Công trường khai thác mỏ sắt xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc - Hòa Bình.

Tương tự, tác động môi trường chủ yếu trong quá trình khai thác quặng bauxite tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc - Lâm Đồng) gồm có bụi, nước thải và bùn đỏ. Do đường vận chuyển quặng (dọc khu phố 8 và 9) là đường đất, hơn 150 hộ dân ven đường phải chịu cảnh bụi bặm vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa. Việc trồng trọt trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng. Hoạt động khai thác bauxite cũng đã phá vỡ cấu trúc địa chất, làm cho bề mặt đất bị hạ thấp 4,5 - 9 m, lớp đất bazan bị thay thế bởi lớp đất sét nên mùa mưa nhiều chỗ bị ngập úng cục bộ, xói lở với cường độ mạnh.

Tài nguyên chung, lợi nhuận riêng

Khoáng sản được xem như tài sản toàn dân song thực tế, phần lớn lợi nhuận đang chảy vào túi các doanh nghiệp tư nhân trong khi cộng đồng địa phương chịu quá nhiều thiệt thòi.

Luật Khoáng sản năm 2005 phân quyền khai thác các mỏ quy mô nhỏ không nằm trong quy hoạch của Chính phủ về cho UBND các tỉnh, TP khiến số giấy phép khai khoáng tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê trong 12 năm, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 928 giấy phép, thấp hơn hàng ngàn lần so với các tỉnh, TP đã cấp. Xét về cấu thành thu nhập quốc dân, đóng góp hơn 9% tổng GDP nhưng các tổn thất trong quá trình khai thác khoáng sản để lại rất lớn nên mức đóng góp GDP chưa phản ánh đúng thực chất.

Nguồn thu ngân sách Nhà nước hiện tại từ hoạt động khai thác khoáng sản chỉ bao gồm các loại thuế (thuế doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế chuyển nhượng...), lệ phí (phí bảo vệ môi trường, phí cấp phép, phí sử dụng tài liệu...). Các loại thuế và lệ phí quy định này tương đối nhỏ so với trị giá khoáng sản doanh nghiệp khai thác được nên các đóng góp thực sự cho ngân sách quốc gia từ khai thác khoáng sản (trừ dầu khí) là không nhiều.

Tước cơ hội của người nghèo

Cũng theo PAN, dường như vấn đề giải quyết việc làm cho lao động địa phương luôn là ưu điểm để các doanh nghiệp xin cấp phép dự án khai khoáng. Tuy nhiên, khảo sát ghi nhận số mỏ sử dụng lao động địa phương khá ít, có nơi thậm chí không sử dụng lao động địa phương. Tại mỏ sắt xã Tân Pheo, chỉ sau thời gian ngắn, chủ đầu tư không trả lương cho công nhân theo đúng thỏa thuận ban đầu (1,5 - 2 triệu đồng/tháng) nên lao động địa phương nghỉ dần, thay vào đó là đội ngũ lao động đến từ Quảng Ninh và Hải Phòng. Còn tại mỏ Ear Sar (Đắk Lắk), công nhân địa phương hầu hết thuộc dạng hợp đồng thời vụ, không được đóng bảo hiểm và chịu nhiều rủi ro từ môi trường lao động thiếu an toàn…

Đáng nói hơn, tại tất cả các điểm mỏ mà PAN tiến hành khảo sát, người dân cho biết họ không được thông báo về dự án, các tác động cũng như các hoạt động mở rộng sản xuất, thậm chí đến lãnh đạo xã, phường cũng không có thông tin về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án dù theo quy định hiện hành, quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lấy ý kiến cộng đồng bị ảnh hưởng và được sự đồng thuận.

Chưa kể, theo quy định hiện hành, UBND các tỉnh và TP xây dựng khung giá đất hằng năm, làm căn cứ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Khung giá đất ban hành, đặc biệt là đất nông lâm nghiệp, trong đa số trường hợp là thiếu cơ sở và xa rời thực tế: Giá 1 m2 đất canh tác tại nhiều địa phương thấp hơn giá của 1 kg gạo chất lượng trung bình tại cùng thời điểm nhưng người dân phải theo khung giá chung đã ban hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Giúp người dân ổn định cuộc sống

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đời sống của người dân mất đất vì các dự án khai khoáng ngày càng cơ cực, phải đi làm thuê khắp nơi hoặc không có việc làm. Tại một mỏ than ở Thái Nguyên, người dân bị thu hồi đất để phục vụ dự án khai thác mỏ than không có việc làm, phải đi mót than để bán. Đến khi không còn than để mót thì họ chờ các chuyến xe đổ than về bãi để lấy than rơi vãi, thậm chí để giành giật than, họ lao vào mót cả lúc xe đang đổ than xuống, bất chấp nguy hiểm.

“Tôi cho rằng đối với các dự án gây tác động lớn đến đời sống cộng đồng như khai khoáng, thủy điện, cần tính cả chi phí bồi thường về áp lực môi trường, áp lực tinh thần cho người ảnh hưởng, đặc biệt là có cơ chế chia sẻ quyền lợi, chẳng hạn chuyển giá trị bồi thường về đất đai cho người dân thành cổ phần trong doanh nghiệp. Có như thế mới giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài” - GS-TS Đặng Hùng Võ nói.


Nhiên Di

người lao động

Các tin tức khác

>   Quý II, ngành thép vẫn khó khăn (20/05/2013)

>   TP.HCM: 9.300 doanh nghiệp thành lập mới (20/05/2013)

>   Nhiều “thử thách” đợi dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD (19/05/2013)

>   TKV: Dư luận đã hiểu nhầm về thuế 0% (19/05/2013)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế: Kết quả bước đầu (19/05/2013)

>   Đường tồn kho lớn, nhiều nhà máy ngưng hoạt động (19/05/2013)

>   Doanh thu của Starbucks ở Việt Nam “vượt kỳ vọng” (19/05/2013)

>   Hỗ trợ thuế thế nào cho DN nào là hợp lý? (19/05/2013)

>   Lợi nhuận bằng không (18/05/2013)

>   '15 thuyền viên đầu tiên của Vinashinlines đã về nước' (18/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật