Thứ Tư, 22/05/2013 17:58

Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu: Đề xuất mới… không mới

Trong 3 phương án đề xuất về cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu do Bộ Công thương công bố, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chính sách tiếp tục bảo hộ cho doanh nghiệp đầu mối.

Người tiêu dùng luôn thấp thỏm lo xăng tăng giá

Quyết định giá: Phần của doanh nghiệp

Thực tế, câu chuyện quản lý giá xăng dầu đang là bài toán khó giải của ngành xăng dầu Việt Nam. Triền miên từ năm này qua năm khác, người tiêu dùng luôn nhận thấy giá xăng tăng nhanh giảm chậm, không ăn khớp với giá thế giới. Dù có đến 13 DN kinh doanh đầu mối xăng dầu với quy mô vốn, thị phần khác nhau nhưng giá xăng luôn đồng nhịp "cùng tăng một mức, cùng giảm một mức”. Chưa đi hết nỗi lo về giá, thì lại đến nỗi lo chất lượng, rồi hết việc thiếu xăng mỗi lần điều chỉnh giá…. Hàng trăm ngàn cuộc họp tìm giải pháp, nhưng giải pháp dường như cứ nằm trên giấy, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý "bảo vệ” quyền lợi cho DN người dân thì thiệt thòi đủ bề.

Và trong dự thảo mới hoàn thành, phần quy định về cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu (sửa đổi điều 27 của Nghị định 84) do Bộ Công thương đề xuất, các phương án giá đều quy về một mối: để doanh nghiệp định giá.

Cụ thể trong phương án 1 sẽ có một mức trần giá bán lẻ xăng dầu cho cả năm, được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá tùy thuộc vào phương án kinh doanh của từng DN, theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Định kỳ hàng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định, nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá (đưa chung vào một tài khoản, do cơ quan quản lý nhà nước quản lý, điều hành) để bù đắp chênh lệch, căn cứ vào hóa đơn bán hàng của DN.

Phương án hai đề xuất cố định mức giá cơ sở của tháng trước sử dụng làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Trong đó, giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn giao dịch khác) bình quân 30 ngày (dự trữ lưu thông). Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, Liên Bộ Tài chính - Công thương công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng trên cơ sở tính giá cơ sở bình quân của tất cả các ngày giao dịch của tháng trước đó. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do liên Bộ công bố trong tháng.

Phương án còn lại, Bộ Công thương đề xuất khi các yếu tố cấu thành giá biến động trong khoảng 5%, DN được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Thời gian điều chỉnh giá bán cũng tăng lên 15 ngày thay vì 10 ngày như hiện hành.

Cả 3 giải pháp nghe qua rất khả thi nhưng vẫn thuộc vòng luẩn quẩn: dưới các mức độ điều tăng giảm giá nhiều hay ít đều do DN đề xuất và tự quyết. Bộ Công thương và Tài chính làm hậu kiểm.

Thiệt người tiêu dùng

Trả lời Đại Đoàn Kết, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá Bộ Tài chính nói: không thể để quyền cho doanh nghiệp định giá khi thị trường còn độc quyền, và chưa cạnh tranh lành mạnh đúng nghĩa. Việc để cho DN có quyền định giá là tạo ra "lỗ hổng” lớn, là "chết” người tiêu dùng.

Thật vậy khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường và đặc biệt sự minh bạch về giá bán vẫn là dấu hỏi thì không thể cho cơ chế được tự do định giá theo thị trường. Trên thực tế, dù đang có 13 đầu mối nhập khẩu nhưng thị phần lại nằm trong tay 2-3 DN lớn. Đặc biệt, Petrolimex ấn định giá ra sao thì 12 DN còn lại đi theo con đường đó.

Trong khi đó, tại hội thảo về "sửa đổi, bổ sung cơ chế điều hành xăng dầu” do Hiệp hội Xăng dầu tổ chức vào ngày 18-5, ông Phan Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Đồng Tháp nói: Tàu hàng nhập cảng của mỗi đơn vị khác nhau. Như vậy có thể hiểu là, giá nhập hàng của các đơn vị cũng khác nhau. Giá bán xăng không thể đồng nhất.

Trong quản lý giá xăng, trước khi đề xuất biện pháp giá trước hết Bộ Công thương phải buộc các doanh nghiệp cam kết về chất lượng, tính ổn định trong mặt hàng của mình. Nếu không có ràng buộc về mặt pháp lý, DN mặc nhiên cấu hưởng lợi mà không cần phải tốn công để phát triển theo yêu cầu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong 3 phương án giá được đưa ra: suy cho cùng vẫn thấy cơ quan quản lý bảo hộ cho DN đầu mối. DN đề xuất và cơ quan quản lý hậu kiểm. Quyền lợi người tiêu dùng chưa thấy đâu.

Hồ Hương

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Mỹ đặt chân vào thị trường điện hạt nhân VN (22/05/2013)

>   Dầu giảm lần đầu trong 5 ngày, khí thiên nhiên tăng 6.5% sau 3 phiên leo dốc liên tiếp (22/05/2013)

>   Phát hiện nhiều sai phạm của các công ty kinh doanh xăng dầu (22/05/2013)

>   Dầu tăng giá phiên thứ tư liên tiếp (21/05/2013)

>   Luật chưa đủ mạnh để áp giá trần cho xăng dầu (20/05/2013)

>   Một lít xăng đang cõng 4 loại thuế, 3 loại phí (20/05/2013)

>   Luẩn quẩn bởi nửa vời (19/05/2013)

>   Dầu vượt 96 USD/thùng trước số liệu kinh tế khả quan của Mỹ (18/05/2013)

>   Quên quyền lợi người tiêu dùng (18/05/2013)

>   ‘Doanh nghiệp chỉ nên được tự tăng giá xăng dầu 3%’ (17/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật