Luẩn quẩn bởi nửa vời
Tại sao một nghị định chứa đầy điều khoản phi lý mà vẫn được áp dụng đến hơn 3 năm, lại đụng đến xăng dầu - mặt hàng chiến lược của nền kinh tế?
Không lâu sau khi ra đời (cuối năm 2009), những thiếu sót của Nghị định 84 đã sớm lộ diện. Giới chuyên gia nhiều lần lên tiếng yêu cầu điều chỉnh nhưng liên bộ Tài chính - Công Thương, 2 cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu, cứ chần chừ. Càng chần chừ, những doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu càng được lợi, mặc người tiêu dùng kêu ca vì thiệt thòi. Đến nay, trước nhiều sức ép không thể né tránh, Nghị định 84 được đem ra bàn thảo để sửa đổi toàn diện.
Những đề xuất sửa đổi của các DN xăng dầu tập trung nhiều vào quyền tự quyết giá, tần suất điều chỉnh 10 ngày hay 15 ngày, tỉ lệ tăng giá được phép, ổn định thuế nhập khẩu, sử dụng quỹ bình ổn… Đây quả là những yếu tố khiến khâu quản lý, điều hành giá xăng dầu luôn gây ồn ào trong những năm qua, đòi hỏi phải sớm thay đổi. Nhưng ở góc nhìn khác, những đòi hỏi ấy cũng cho thấy các DN lo vun vén cho túi riêng của mình quá nhiều mà chưa thể hiện thiện chí chia sẻ với Nhà nước và người tiêu dùng.
Thực ra, những bất cập trên nếu có được sửa đổi ở mức hợp lý nhất cũng không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Bởi điều cốt lõi mà xăng dầu đang cần có là tính thị trường thực thụ và sự cạnh tranh đúng nghĩa.
Về lý thuyết, Nghị định 84 yêu cầu điều hành giá xăng dầu trong nước theo sát nhịp điệu của giá thế giới, DN được quyết tăng/giảm giá, được đề xuất mức tăng/giảm. Tuy nhiên, về thực chất, DN được phép điều chỉnh giá hay không và với mức bao nhiêu, vào thời điểm nào… thì phải chờ cái gật đầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Thế nên, đã bao lần giá xăng dầu thế giới giảm mà giá trong nước vẫn đứng yên, thậm chí… tăng sốc, là vì vậy. Khi nào tính thị trường nửa vời như thế tiếp tục tồn tại thì giá xăng dầu còn vận hành… luẩn quẩn!
Đặc biệt, nguyên tắc thị trường là phải có cạnh tranh. Nhiều năm nay, 10 DN xăng dầu hầu như bán chung một giá, tăng/giảm cùng một mức; chưa hề thấy DN nào bán giá khác với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Theo Luật Cạnh tranh, DN chiếm thị phần từ 30% trở lên là thống lĩnh thị trường, trong khi Petrolimex luôn chiếm ít nhất 50%-60% thị phần xăng dầu trong nước, gọi là “độc quyền” cũng chẳng sai! Bán với giá thấp hơn “ông lớn” này, các DN khác chỉ có nước tự sát! Thế nên, dựng lên DN đối trọng với Petrolimex hoặc tính lại thị phần của DN thống lĩnh này thì mới mong phá thế độc quyền, qua đó có được thị trường cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Chúng ta đã từng phá thế độc quyền thành công trong ngành viễn thông bằng sự đột phá của Viettel thì cũng tin rằng sẽ làm được tương tự với ngành xăng dầu.
Dương Quang
Người lao động
|