Siết nhập hộ khẩu vào nội thành
Để được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương, theo dự thảo luật, công dân phải có chỗ ở hợp pháp. Nếu đăng ký thường trú vào quận thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ hai năm trở lên.
Ngày 23-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Đáng chú ý, dự luật siết chặt hơn điều kiện được đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quyền tự do cư trú là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục được khẳng định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật cư trú lần này không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Tạm trú 2 năm mới được thường trú ở quận
Để được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương, theo dự thảo luật, công dân phải có chỗ ở hợp pháp. Nếu đăng ký thường trú vào quận thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ hai năm trở lên (thay vì một năm như trong luật hiện hành). Trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên.
Ông Ngô Văn Minh (đại biểu Quốc hội Quảng Nam, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Trong dự thảo luật có những vấn đề còn băn khoăn. Nhất là chỗ, nơi đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú. Nếu còn giữ như thế là không được. Làm sao lại có chuyện bất cập như thế? Tôi tạm trú ở quận Ba Đình, nhưng tôi mua nhà ở Đống Đa thì tôi cũng phải được làm hộ khẩu ở Đống Đa chứ việc gì bắt tôi quay về Ba Đình mới được?
Ông Trần Thanh Hải (đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Theo tôi, nên có quy định khuyến khích cho những người có trình độ, tay nghề đăng ký thường trú tại TP mà không cần thêm điều kiện phải có thời gian tạm trú 1 hoặc 2 năm. Tôi cho rằng nên có sự khuyến khích như vậy để thu hút những người có tài năng đến đóng góp cho sự phát triển của TP.
Ông Trần Ngọc Vinh (đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng):
Phải tìm ra những biện pháp thật hữu hiệu và triệt để thì mới tốt. Còn siết chặt nhập cư vào TP cũng chỉ là biện pháp tình thế thôi. Theo tôi, phải làm sao đưa được các trường học, công sở, bệnh viện và một số dịch vụ khác ra khu vực ngoại thành thì người ta đỡ tập trung vào khu trung tâm và tự nhiên sẽ giãn ra.
|
Trong trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Công dân đăng ký thường trú vào nội thành TP Hà Nội thì phải thực hiện theo quy định của Luật thủ đô.
Đặc biệt, dự thảo luật lần này có quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm như giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú (như ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân chỉ với mục đích để người này đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào TP trực thuộc trung ương mà thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đó, giả tạo kết hôn để đăng ký thường trú...); cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Chưa phải là giải pháp căn cơ
Lý giải nguyên nhân cần thiết phải siết chặt nhập cư vào các TP lớn, Bộ Công an đưa ra các con số: Qua năm năm triển khai thực hiện Luật cư trú, số người chuyển về các TP làm ăn, sinh sống tăng nhanh. Tính đến ngày 1-7-2012, tổng dân số tại năm TP trực thuộc trung ương (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) gồm trên 4,5 triệu hộ với gần 19 triệu nhân khẩu. Từ tháng 7-2007, khi Luật cư trú có hiệu lực thi hành đến tháng 7-2012, dân số của các TP trực thuộc trung ương đã tăng hơn 2 triệu hộ, gần 9,8 triệu nhân khẩu.
Theo lập luận của Bộ Công an, sửa Luật cư trú theo hướng siết chặt các điều kiện đăng ký thường trú vào TP sẽ có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các TP trực thuộc trung ương như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. “Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Do vậy, đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các TP lớn trực thuộc trung ương”- ông Lý nói.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc quy định xác nhận của chính quyền địa phương và cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Đề cử ông Đinh Tiến Dũng làm bộ trưởng Bộ Tài chính
Chiều 23-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn ông Đinh Tiến Dũng giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính thay ông Vương Đình Huệ. Ông Đinh Tiến Dũng hiện là ủy viên Trung ương Đảng, tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
“Trong quá trình công tác, ông Đinh Tiến Dũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính” - Thủ tướng nói.
Ông Đinh Tiến Dũng sinh năm 1961, quê Ninh Bình. Trước khi được Quốc hội bầu giữ chức tổng KTNN (tháng 8-2011), ông Dũng từng làm thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Vì ông Đinh Tiến Dũng đang là tổng KTNN, nên Thủ tướng đã trao đổi với Thường vụ Quốc hội trước khi giới thiệu ông Dũng vào nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Tài chính. Qua tổng hợp kết quả thảo luận, thăm dò tại phiên họp tổ chiều 23-5, nếu Quốc hội chấp thuận thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ tổng KTNN đối với ông Đinh Tiến Dũng, sau đó mới trình Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính (công việc này sẽ được tiến hành hôm nay, 24-5).
Như vậy, nếu đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng sang làm bộ trưởng Bộ Tài chính, Quốc hội sẽ phải bầu người khác thay thế. Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu tổng KTNN.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ (vì ông Huệ đã được Bộ Chính trị điều động sang làm trưởng Ban Kinh tế trung ương từ tháng 12-2012). Sau đó, Quốc hội đã bỏ phiếu và ra nghị quyết đồng ý với đề nghị của Thủ tướng.
P.V
Tuổi Trẻ
|