Đời thuỷ thủ viễn dương như “người tù giam lỏng”
Lênh đênh trên biển hàng năm trời, những thuỷ thủ viễn dương phải đối mặt với sóng dữ, bão gió, cướp biển, tai nạn bất ngờ… Sống sót trở về, nhiều thuỷ thủ đã có ý định bỏ nghề, nhưng vì kế mưu sinh, họ vẫn chấp nhận đánh cược sinh mệnh của mình với biển.
Tàu Saigon Queen đã bị đắm tại vùng biển Sri Lanka năm 2012.
|
Sống sót là may mắn
Hơn năm tháng sau tai nạn chìm tàu Saigon Queen tại Sri Lanka, chúng tôi gặp thợ máy Nguyễn Văn Ước, 25 tuổi, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, là một trong 18 thuyền viên may mắn thoát chết. Ước vừa được lên bờ hai ngày trước sau hơn ba tháng đi “đánh thuê” cho một tàu nước ngoài ở Malaysia. Đôi mắt sáng, dáng người cao dong dỏng, chàng thuỷ thủ, 25 tuổi, đã có năm năm đi tàu viễn dương. Ước chia sẻ: “Gần bốn ngày sau khi rời cảng ở Myanmar đi Ấn Độ, tàu gặp bão lớn. Khi ấy, em vẫn ở dưới buồng máy, cùng với bốn thợ máy cố gắng để tàu vận hành ổn định. Khi có lệnh bỏ tàu, mọi người vẫn cố bám tàu đến giây phút cuối cùng”. Trước áp lực của sóng gió, nước biển đã tràn vào tàu Saigon Queen khiến máy chính bị ngừng hoạt động hai lần. Các thuyền viên nhanh chóng rời tàu, lên xuồng cứu sinh. Sau 12 giờ lênh đênh trên biển, các thuyền viên được một tàu nước ngoài cứu vớt, nhưng thuyền trưởng và ba thuỷ thủ khác đã bị kiệt sức, rơi xuống biển mất tích.
Anh Đoàn Văn Hoá, quê Hải Phòng đã có gần 12 năm đi tàu viễn dương, lênh đênh khắp vùng Biển Đen, Biển Đỏ. Sóng to, gió lớn, bão biển… anh Hoá đều nếm trải hết, thậm chí, tàu suýt bị đắm. “Đó là chuyến đi biển cuối cùng khi tôi đi tàu Vergineer Forest (năm 1998). Khi ấy, do dự báo sai, nên tàu đi thẳng vào tâm bão. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm dạn dày của thuyền trưởng nước ngoài, nên tàu thoát nạn trong gang tấc”, anh Hoá nhớ lại.
Khi ấy, anh Hoá chỉ là thuỷ thủ đi “đánh thuê” cho chủ tàu Hy Lạp, chuyên chở hàng ở vùng biển Nam Phi. Thời điểm đó, chủ tàu kinh doanh thua lỗ, bị kiện và có lệnh bắt giữ đội tàu. Tàu của anh Hoá phải trốn vào một vịnh đảo ở Hy Lạp, gần Thổ Nhĩ Kỳ và bị cắt đứt liên lạc với đất liền suốt một tháng liền. Các thuyền viên hết sức hoảng sợ, cầu cứu hiệp hội Bảo vệ người đi biển (ITF), thậm chí đã phải “tước quyền” của thuyền trưởng. Đây là chuyện hy hữu trong ngành hàng hải vì khiQuảng Bình: phát hiện hang động lớn hơn cả Sơn Đoòng tàu đã ra khơi, thuyền trưởng là “vua” của tàu và có “quyền lực” hơn cả chủ tàu. Sau đó, cơ quan ITF đã cử thuyền trưởng mới xuống tàu để điều hành, giải cứu thuyền viên sau bốn tháng liền bị “giam lỏng” trên tàu.
Lương cao, rủi ro lớn
Chia sẻ về những khắc nghiệt của nghề thuỷ thủ, anh Hoá nói: “Nghề thuỷ thủ lương cao hơn người đi làm trên bờ, nhưng rủi ro, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng đã chọn nghề đi biển thì phải chấp nhận hiểm nguy”. Anh Hoá còn ví nghề thuỷ thủ như “tù giam lỏng” vì điều kiện sống xa bờ, xa nhà, hạn chế liên lạc, chỉ được lên bờ khi tàu cập cảng. Riêng tàu hoá chất thì thuỷ thủ không được lên bờ. Hơn nữa, các thợ máy thường bị nhiễm chì nặng, nhiều người mất khả năng sinh con, bị axít ăn chân tay…
“Được đi tàu của chủ tàu châu Âu là mơ ước của mọi thuỷ thủ. Hồi tôi đi tàu Vergineer Forest, có thu nhập khoảng 680 USD/tháng (gồm lương, tiền làm thêm), khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chế độ ăn, giờ làm việc, nghỉ ngơi… đều theo tiêu chuẩn của châu Âu, nên anh em đều béo tốt”. Chủ tàu thường ký hợp đồng thuê thuỷ thủ theo date (mỗi date là từ 3 – 12 tháng), trả lương theo từng chức danh như: thuyền trưởng, máy trưởng, đại phó, thuỷ thủ, thợ máy… Đơn cử, thợ máy như Nguyễn Văn Ước có thu nhập khoảng 11 – 13 triệu đồng/tháng.
Nhưng từ năm 2010 đến nay, thị trường vận tải biển rơi vào khủng hoảng. Nhiều chủ tàu khốn đốn, nợ nần chồng chất. Do đó, thu nhập của thuỷ thủ cũng bị cắt giảm, thậm chí họ còn bị nợ lương vài tháng liền. Thuỷ thủ Nguyễn Văn Chung của tàu Hong Kong cho biết mức lương của mình chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức lương của thuyền viên các nước khác trên tàu; trong khi đó, chủ tàu cũ vẫn còn nợ lương sáu tháng với số tiền 90 triệu đồng. Ngoài lương, các thuỷ thủ được chủ tàu đóng bảo hiểm xã hội, y tế, đặc biệt mua bảo hiểm tai nạn với mức bồi thường tối đa 25.000 – 30.000 USD/người. Riêng gói bảo hiểm cướp biển, chủ tàu thường ít mua vì giá cao và cũng ít khi gặp rủi ro này.
Với những gia đình thuần nông như Ước, Chung… thì đi biển là cơ hội để thoát nghèo, dành dụm vốn để làm ăn sau khi lên bờ. Tuy nhiên, “Cái giá phải trả là cả tuổi trẻ xa gia đình, thậm chí phải đổi bằng sinh mạng. Anh em thuỷ thủ thường bảo, nếu muốn bỏ nghề thì bỏ trước 30 tuổi, còn sau đó, thì khó dứt bỏ được lắm vì đã gắn bó với biển”, Ước nói.
Phương Nga
Sài Gòn Tiếp Thị
|