Thứ Hai, 20/05/2013 09:19

PAN: Tham vọng hay mắc kẹt?

“Liệu có phải chuyện “nông nghiệp hàng đầu” chỉ là một kế hay giúp PAN huy động vốn?”. Nhất là khi tiềm lực tài chính của PAN còn quá mỏng cho những kế hoạch thâu tóm tốn kém.

Đại hội Cổ đông vừa qua của Công ty Xuyên Thái Bình (PAN) đã đánh dấu sự trở lại ngôi vị Chủ tịch của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Bất ngờ hơn, PAN đã định hướng trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu, trong khi nông nghiệp là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với PAN, một công ty dịch vụ vệ sinh và bảo dưỡng công nghiệp.

Việc PAN định hướng trở thành công ty nông nghiệp đã gây nhiều bất ngờ vì PAN xưa nay là công ty dịch vụ vệ sinh và bảo dưỡng công nghiệp.

“Bà đỡ” SSI

Không ít công ty đang đầu tư vào nông nghiệp theo kiểu chuỗi liên kết, tức đầu tư vào những doanh nghiệp có ngành nghề bổ sung nhau như cách làm của Thủy sản Hùng Vương, Masan… PAN cũng muốn làm như vậy. Đầu tư trên 51% cổ phần vào các công ty mục tiêu là cách để PAN hiện thực hóa điều đó. Nhưng xét đến tiềm lực tài chính của Công ty, cách làm này liệu có quá sức?

Doanh thu của PAN tăng trung bình 20%/năm, nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỉ đồng và không ổn định trong giai đoạn 2009-2012. PAN có vốn điều lệ hơn 115 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu 326 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2012, tiền mặt chỉ còn xấp xỉ 50 tỉ đồng. Mặc dù mới đây, PAN huy động được 200 tỉ đồng tiền mặt nhưng vẫn chưa đủ tạo bệ phóng đủ mạnh để Công ty thực hiện mục tiêu trên.

Rõ ràng, PAN sẽ không thể tự bơi một mình. Và với những gì diễn ra tại Đại hội cổ đông vừa qua, không khó để nhận ra người đứng sau hỗ trợ là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI và PAN.

Sự trở lại với ngôi vị Chủ tịch PAN của ông Hưng đã khẳng định một việc: ông sẽ cầm cương tại công ty này. Để tiếp sức cho giấc mơ nông nghiệp của PAN, hai người am hiểu lĩnh vực này đã được bổ sung vào Hội đồng Quản trị. Đó là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống và Cây trồng và bà Nguyễn Thị Trà My, vốn có kinh nghiệm về ngành công nghệ sinh học. Ngoài ra, nhân sự trong Hội đồng Quản trị mới của PAN đa số đều là người của SSI.

Để tạo ra hệ thống các công ty con làm nông nghiệp, hẳn PAN sẽ mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm và mua cổ phần các công ty đó. Tuy nhiên, điều này sẽ nhanh và dễ dàng hơn nếu có sẵn các mục tiêu để PAN lựa chọn. Tại Đại hội cổ đông PAN vừa qua, ông Hưng cho biết sẽ chuyển những khoản đầu tư thuộc lĩnh vực này sang cho PAN. Vậy là PAN chỉ còn việc gia tăng sở hữu đến mức chi phối ở những công ty trong tầm ngắm.

Một vấn đề đặt ra là ông Hưng chưa hề được biết đến là người đầu tư dài hạn vào các công ty nông nghiệp. Vậy tham vọng với lĩnh vực nông nghiệp lần này có phải là đầu tư đa ngành?

Lý giải cho điều này, một chuyên gia tài chính doanh nghiệp có hơn 10 năm làm việc cho các định chế tài chính ở châu Âu (không muốn nêu tên) cho biết mô hình holdings (mua và nắm giữ cổ phần ở nhiều công ty trong các lĩnh vực khác nhau với tỉ lệ nắm giữ trên 51%, nhưng không điều hành trực tiếp) có thể đưa giấc mơ đầu tư đa ngành trở thành hiện thực mà không nhất thiết phải có kinh nghiệm. “Giám đốc Điều hành thì có thể đi thuê”, vị này nói.

Theo đó, PAN chuyên về nông nghiệp sẽ là một mắt xích trong holdings này bên cạnh mảng chứng khoán là SSI. Quỹ đầu tư cũng sẽ là một mắt xích quan trọng. Về phía ông Hưng, tại Đại hội cổ đông PAN, ông đã nhắc đến mong muốn mở các “ngân hàng tư nhân”, thực chất là quỹ đầu tư để quản lý tài sản và thu phí. “Công ty riêng của ông Hưng có thể là đơn vị đứng đầu holdings này”, vị này đánh giá.

Hiện nay, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nguyễn Duy Hưng là công ty riêng quản lý các khoản đầu tư của ông Hưng. Giá trị cổ phiếu niêm yết Công ty sở hữu vào khoảng 800 tỉ đồng. Tại SSI, công ty này cùng với hai em ông Hưng sở hữu lần lượt 8,27% và gần 7%. Với PAN, chỉ riêng Công ty của ông Hưng và Nguyễn Sài Gòn (của em ông Hưng) đã sở hữu hơn 40% cổ phần.

Đằng sau tham vọng

Chuyển các khoản đầu tư của SSI cho PAN là một hỗ trợ tốt. Tuy nhiên, nói PAN là nơi để SSI thoát các khoản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng không phải là không có lý.

Trước tiên, hãy tìm hiểu Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF). SSIVF có vốn điều lệ 1.700 tỉ đồng. Sau 5 năm hoạt động, cuối năm 2011, giá trị ròng (NAV) của Quỹ giảm khoảng 7%. Đây là kết quả không quá tệ trong bối cảnh nhiều quỹ bị giảm NAV đến vài chục phần trăm. Nhưng điều đáng nói là SSIVF và SSI có danh mục đầu tư khá giống nhau, trong đó có nhiều cổ phiếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Và khi đến hạn đóng quỹ, danh mục của quỹ này vẫn còn khoảng chục cổ phiếu chưa thanh lý hết để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc SSI chuyển dần những cổ phiếu nông nghiệp sang PAN cũng là cơ hội để SSIVF thanh lý danh mục. Tính đến cuối năm 2012, các cổ phiếu trong nhóm nông nghiệp của SSIVF hầu như đã thanh lý xong.

Ở một góc nhìn khác, đầu tư và gia tăng sở hữu vào các cổ phiếu nông nghiệp được đánh giá là một giải pháp tình thế cứu vãn lợi nhuận của SSI trong năm 2011. Vào quý IV/2011, khoản đầu tư vào cổ phiếu Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) làm SSI phải dự phòng giảm giá hơn 87 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm, nhờ mua thêm cổ phiếu này để nâng lên mức công ty liên kết (trên 20%), SSI đã được hoàn nhập dự phòng. Chẳng những vậy, SSI còn được hạch toán lợi nhuận ở công ty liên kết theo tỉ lệ nắm giữ. Vào lúc đó, SSI cũng nâng sở hữu để đưa Thủy sản Bến Tre và PAN thành công ty liên kết.

Những điều này cho thấy, ngay từ đầu SSI không có định hướng đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu nông nghiệp. Thậm chí đến quý I/2012, khi SSI có đến 6 công ty liên kết thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì Công ty cũng không có tuyên bố nào tương tự cho thấy nông nghiệp là lĩnh vực nên gắn bó đến mức “sống chết” như hiện nay.

Xét SSI, với bản chất là một nhà đầu tư tài chính, việc chuyển các khoản đầu tư từ tài chính sang giá trị không khỏi gây bất ngờ cho nhà đầu tư. SSI còn cử người tham gia vào Hội đồng Quản trị các công ty này. Chẳng hạn, tại Công ty Giống cây trồng Trung ương (NSC) và Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) thì có bà Lê Thị Lệ Hằng, vốn là Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM). Còn tại Công ty Giống cây trồng miền Nam (SSC), có ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc SSIAM.

“Không ít trường hợp, vì khoản đầu tư khó thoái vốn nên phải điều người sang điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhằm không làm giảm giá trị của khoản đầu tư đó”, Tiến sĩ Trần Vinh Dự, chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp, nhận xét.

Mặt khác, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu nông nghiệp SSI đang nắm giữ tương đối thấp. Chẳng hạn, đối với NSC, GIL, SSC, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên trong tháng 5.2013 chỉ vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên. Thậm chí, nhiều phiên không có giao dịch. Với khoảng 20% cổ phần sở hữu ở mỗi doanh nghiệp, giả sử SSI muốn thoái vốn qua sàn thì cũng không khả thi. Đó là chưa nói đến rủi ro giảm giá cổ phiếu vì áp lực bán ra.

Rõ ràng, mặc dù ý định đầu tư sâu vào lĩnh vực nông nghiệp của nhóm ông Hưng có vẻ khả thi và được chuẩn bị khá kỹ, nhưng cũng khó tránh khỏi làm dấy lên những nghi ngờ như nói ở trên.

Một nhà đầu tư lâu năm (không muốn nêu tên) còn đặt ra nghi vấn khác: “Liệu có phải chuyện “nông nghiệp hàng đầu” chỉ là một kế hay giúp PAN huy động vốn?”. Nhất là khi tiềm lực tài chính của PAN còn quá mỏng cho những kế hoạch thâu tóm tốn kém.

Nhìn vào đợt phát hành cổ phiếu thu về 200 tỉ đồng mới đây của PAN, có thể thấy người mua chủ yếu là SSI và các tổ chức liên quan đến SSI như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn NDH Việt Nam, Bất động sản SSI… Nhưng trong đợt phát hành trái phiếu có giá trị gấp 2 lần vốn chủ sở hữu của PAN sắp tới, không có gì để nói chắc rằng những gương mặt này sẽ còn xuất hiện đầy đủ.

Ngọc Dương

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   “Thân phận” cổ phiếu bất động sản (20/05/2013)

>   ĐHĐCĐ TPP: Tăng vốn lên 50 tỷ đồng trong năm 2013 nhằm bổ sung vốn lưu động (18/05/2013)

>   Đình chỉ hoạt động Cty Quản lý quỹ Thành Việt (18/05/2013)

>   ĐHĐCĐ PVF: Hợp nhất với Westernbank, PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu (18/05/2013)

>   Tổ chức lớn hơn Global Witness có giúp bầu Đức “thoát tội”? (17/05/2013)

>   DTL: Quý 1 lợi nhuận hợp nhất tăng 77% đạt 2.6 tỷ đồng (21/05/2013)

>   DNP: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (công ty mẹ) (17/05/2013)

>   HJS: Kế hoạch lợi nhuận 25 tỷ, cổ tức 10% (20/05/2013)

>   EFI: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (công ty mẹ) (17/05/2013)

>   HBE: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (17/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật