Thứ Bảy, 18/05/2013 08:37

ĐHĐCĐ PVF: Hợp nhất với Westernbank, PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu

Sáng ngày 18/05, Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (HOSE: PVF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 và đã thông qua phương án hợp nhất với Westernbank. Ngoài ra, PVN sẽ giảm dần tỷ lệ đang nắm giữ PVF từ 52% (sau hợp nhất) xuống dưới 20%, trước mắt sẽ bán cổ phần của PVF cho cán bộ công nhân viên.

* Cuối cùng thì PVF cũng công khai đề án hợp nhất với WesternBank

* PVN từ chối hỗ trợ 7,000 tỷ đồng cho PVFC hợp nhất với WesternBank?

ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của PVF

11h45: Đại hội bế mạc thông qua tất cả các tờ trình

Đại hội thông qua chương trình hợp nhất với Westernbank, đồng ý chuyển PVF thành Ngân hàng TMCP theo phương thức hợp nhất với Westernbank. Các cổ đông cũng nhất trí dự thảo điều lệ và Hợp đồng hợp nhất.

11h00: Thảo luận tại đại hội

Ngân hàng hợp nhất sẽ xem xét kế hoạch niêm yết sau 12 tháng. Khi được hỏi về vấn đề niêm yết của ngân hàng hợp nhất, đại diện PVF cho biết, theo luật các TCTD thì TCTD hình thành sau hợp nhất chỉ được niêm yết lại sau 12 tháng. Như vậy, ngân hàng hợp nhất cũng sẽ xem xét và trình cổ đông thời điểm niêm yết thích hợp, đảm bảo được hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp nhất và quyền lợi của cổ đông.

Trả lời câu hỏi về lộ trình tăng vốn điều lệ của ngân hàng hợp nhất, đại diện của PVF chia sẻ, trước mắt PVF chưa đặt vấn đề tăng vốn, bởi sau hợp nhất thì vốn điều lệ của ngân hàng cũng đã tăng lên 9,000 tỷ đồng.

Về vấn đề nợ xấu tại PVF, cuối năm 2012 tỷ lệ này ở mức 3.9% nhưng đến cuối quý 1/2013, nợ xấu đã tăng lên 5.25%. Theo đại diện của PVF, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của PVF tăng là do tổng dư nợ giảm 12% khiến cho nợ xấu tăng gần 1%. Riêng chất lượng nợ tại PVF không có nhiều biến động lớn.

Tại Đại hội, cổ đông có ý kiến về tỷ lệ hợp nhất 1:1, một cổ đông cho rằng giá thị trường của cổ phiếu PVF và Westernbank có sự chênh lệch. Tuy nhiên, PVF cho biết đây là phương án hợp nhất chứ không phải là sáp nhập. PVF thực hiện hợp nhất với Westernbank theo yêu cầu của NHNN về tái cấu trúc. Sau hợp nhất, ngân hàng mới sẽ trở thành ngân hàng “sạch sẽ”. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu tỷ lệ hợp nhất là 1:1 theo phương án hợp nhất vốn điều lệ chứ không phải theo biến động giá cổ phiếu trên thị trường.

Còn vấn đề nhân lực cho ngân hàng hợp nhất, PVF cho biết đang có kế hoạch đào tạo nhân lực, xem xét vấn đề lương thưởng. Đặc biệt là sự hỗ trợ của PVN không chỉ về tài chính mà còn tạo điều kiện được cung cấp các dịch vụ trong hoạt động dầu khí.

10h45: PVN sẽ giảm dần sở hữu nhưng vẫn là chỗ dựa của ngân hàng hợp nhất

Ông Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đoàn cho biết, PVN ủng hộ mạnh mẽ đề án phương án sáp nhập giữa PVF và Westerbank. Ông cũng chia sẻ thêm, phương án hợp nhất đã được PVF bàn từ rất nhiều lần, trong đó PVF cũng đã báo cáo với NHNN và xin ý kiến Chính phủ rất nhiều lần. PVN xem xét nhiều phương án để chuyển đổi hệ thống của PVF sao cho khoản đầu tư vào PVF hiệu quả.

PVN nhận thấy phương án tốt nhất là chuyển PVF sang loại hình hoạt động của ngân hàng và cách thuận tiện nhất là hợp nhất với một ngân hàng khác. Với phương án trên, ngân hàng được chọn hợp nhất với PVF là Westernbank.

Hiện PVN đang nắm 78% vốn điều lệ, sau khi hợp nhất, tỷ lệ trên sẽ giảm xuống 52%, dự kiến Tập đoàn sẽ giảm dần tỷ lệ xuống dưới 20%. Tuy nhiên, PVN cũng sẽ có lộ trình giảm vốn từ từ để không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngân hàng hợp nhất. Dự kiến trước mắt PVN sẽ giảm dần tỷ lệ bằng cách bán cổ phần của PVF cho cán bộ công nhân viên.

Mặc dù sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu nhưng ông Hậu khẳng định PVN vẫn là chỗ dựa vững chắc và duy trì mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ với ngân hàng hợp nhất. PVN với tư cách là cổ đông nhất trí phương án và kêu gọi các cổ đông ủng hộ phương án hợp nhất.

10h05: Đề án hợp nhất giữa PVF và Westernbank

Lộ trình thực hiện hợp nhất gồm:

1. Hoàn thiện đề án hợp nhất theo hướng dẫn của NHNN.

2. Hai TCTD nộp hồ sơ hợp nhất gồm 3 tài liệu chính được ĐHĐCĐ của hai TCTD thông qua là Đề án hợp nhất, Hợp đồng hợp nhất và Điều lệ ngân hàng hợp nhất.

3. Phê duyệt cấp giấy phép chính thức của NHNN.

4. Rút giấy phép hoạt động của 2 TCTD và hủy niêm yết đối với PVF.

5. Cấp giấy phép hoạt động cho ngân hàng hợp nhất.

Đại diện PVF trình bày tóm tắt phương án hợp nhất giữa PVF và Westernbank. Theo đó, trong thời gian từ khi ký hợp đồng đến ngày hợp nhất, hai bên sẽ cam kết thực hiện hoạt động kinh doanh bình thường, duy trì và giữ vững cơ cấu tổ chức hoạt động.

Tại thời điểm hợp nhất, cổ phần của PVF và WesternBank sẽ được hoán đổi theo tỷ lệ 1:1.

Kể từ ngày hợp nhất, cả PVF và WesternBank sẽ chấm dứt tồn tại, PVF sẽ hủy niêm yết trên HOSE. Ngân hàng hợp nhất sẽ hoạt động như một ngân hàng TMCP mới.

Dự kiến ngân hàng hợp nhất sẽ có tổng tài sản hơn 105,641 tỷ đồng; tiền gửi và vay các TCTD khác là 18,285 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng 25,357 tỷ đồng; tổng nợ phải trả 96,485 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu 9,156 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối âm 341.5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, vốn điều lệ của ngân hàng hợp nhất sẽ tăng lên 12,000 tỷ đồng vào năm 2015.

Về nhân sự, HĐQT dự kiến có 7 thành viên, trong đó 4 thành viên do PVN cử, 1 thành viên độc lập và 2 thành viên do WEB đề cử.

PVF sẽ được ủy quyền là TCTD đại diện làm đầu mối trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục hợp nhất cần thiết.

10h00: Ông Vũ Huy An – Phó Chủ tịch HĐQT trình bày việc kéo dài thời gian hoạt động của HĐQT và BKS

Do đang tiến hành hợp nhất với Westernbank nên PVF sẽ xin kéo dài thời gian thực hiện nhiệm kỳ 2008-2013 của HĐQT và BKS PVF đến thời điểm hợp nhất với cơ cấu 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS.

Việc cơ cấu, bầu, bổ nhiệm thành viên HĐQT, BKS và thành viên HĐQT độc lập sẽ được thực hiện tại ĐHĐCĐ của Ngân hàng hợp nhất.

HĐQT của PVF bao gồm:

  • Ông Nguyễn Đình Lâm (Chủ tịch HĐQT)
  • Ông Vũ Huy An
  • Ông Nguyễn Thiên Bảo
  • Ông Nguyễn Khuyến Nguồn
  • Ông Đỗ Quang

9h30:Chưa trích lập dự phòng 2,726 tỷ đồng liên quan đến Vinashin và Vinalines

Trưởng BKS – ông Nguyễn Hải An trình bày báo cáo của Ban kiểm soát.

Tính đến 31/12/2013, PVF có tổng dư nợ hơn 1,057 tỷ đồng với một số công ty con thuộc Vinashin và 1,669 tỷ đồng với một số công ty con của Vinalines. PVF đã giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại (từ 2009 đối với Vinashin và từ 2011 với Vinalines) và chưa trích lập dự phòng bổ sung đối với các khoản nợ này.

Trong năm 2013, BKS kiến nghị xem xét việc phân loại lại các khoản mục tài sản như ủy thác đầu tư, đặt cọc thu gom trái phiếu, cho vay các tổ chức tín dụng, ủy thác quản lý danh mục, cho vay từ nguồn vốn ủy thác) phù hợp với bản chất nghiệp vụ và mức độ rủi ro của PVF.

Ngoài ra, BKS cũng đề xuất xem xét tái cấu trúc lại (sáp nhập, chuyển nhượng, giải thể, phá sản) các đơn vị thành viên là công ty con, công ty liên kết hoạt động thua lỗ nhiều năm như Công ty Mỹ Khê, Công ty VNAssets…PVF sẽ tiếp tục thu hồi nợ đối với các công ty thuộc nhóm Vinashin và Vinalines. 

8h45: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2013 đạt 72.5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch HĐQT PVF trình bày kết quả kinh doanh năm 2012 và kế hoạch hoạt động năm 2013.

Theo đó, PVF đặt chỉ tiêu doanh thu 2013 ở mức 5,507 tỷ đồng, bằng 73% so với kết quả thực hiện 2012. Theo đó, kế hoạch LNTT là 80 tỷ đồng và LNST 72.5 tỷ đồng, lần lượt tăng 49% và 35% so với kết quả 2012.

Do PVF đang thực hiện các thủ tục và tập trung nguồn lực thực hiện công tác hợp nhất với Westernbank nên chưa xây dựng kế hoạch 2013 theo mô hình ngân hàng hợp nhất. Sau khi hoàn thành việc tái cấu trúc chuyển đổi mô hình, PVF sẽ xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch của Ngân hàng hợp nhất.

08h30: Khai mạc đại hội

Tham dự đại hội có 53 cổ đông, đại diện tỷ lệ 92.06% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty.

Đại hội cũng có sự tham dự của ông Lê Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Tây – Westernbank (WEB) – đối tác hợp nhất với PVF.

Được biết, trong năm 2012, PVF ghi nhận doanh thu 7,569 tỷ đồng và LNST 53.7 tỷ đồng. Với kết quả này, Tổng công ty sẽ chi 5.62 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và BKS.

Minh Hằng (Vietstock)

Infonet

Các tin tức khác

>   Tổ chức lớn hơn Global Witness có giúp bầu Đức “thoát tội”? (17/05/2013)

>   DTL: Quý 1 lợi nhuận hợp nhất tăng 77% đạt 2.6 tỷ đồng (21/05/2013)

>   DNP: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (công ty mẹ) (17/05/2013)

>   HJS: Kế hoạch lợi nhuận 25 tỷ, cổ tức 10% (20/05/2013)

>   EFI: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (công ty mẹ) (17/05/2013)

>   HBE: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (17/05/2013)

>   HMH: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (17/05/2013)

>   HNM: Ngày 29/05/2013, ngày đăng ký cuối cùng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 (17/05/2013)

>   GLT: 27/05 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2013 (17/05/2013)

>   EID: Báo cáo tài chính quý 1/2013 (17/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật