OECD đưa ra những dự báo về nền kinh tế Italy
Theo hãng tin ANSA, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) trong bản báo cáo dài 122 trang của mình với tựa đề "Cuộc khảo sát nền kinh tế Italy" công bố ngày 2/5 nhận định tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nước này sẽ đứng ở mức 3,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
Con số dự báo nói trên của OECD là cao hơn so với mức dự báo 2,9% trước đó của Chính phủ Italy và cũng ở trên mức giới hạn 3% được áp đặt bởi Liên minh châu Âu (EU). OECD cũng dự báo tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Italy sẽ tăng tới 3,8% vào năm tới, so với mức dự báo 1,8% của Chính phủ Italy.
Về tăng trưởng kinh tế, OECD đã hạ thấp dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế nước này và cho rằng Italy sẽ đạt mức tăng trưởng âm 1,5% trong năm nay so với mức dự báo âm 1% được OECD đưa ra trong báo cáo của mình hồi tháng 11/2012. OECD cho rằng kinh tế Italy chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014 với mức tăng là 0,5%.
Về nợ công, OECD dự báo tỷ lệ nợ công của Italy sẽ tăng lên tới mức 134,2% GDP trong năm 2014, chứ không phải giảm xuống mức 129% như Chính phủ Italy đã dự báo trước đó.
Phản ứng lại dự báo ảm đạm nói trên của OECD, Bộ trưởng Kinh tế Italy Fabrizio Saccomanni nhấn mạnh những số liệu của OECD đã không tính đến tác động tích cực mà kế hoạch hoàn trả nợ công của chính phủ nước này mang lại. Theo kế hoạch này, Chính phủ Italy sẽ hoàn trả 40 tỷ euro tiền nợ cho các công ty tư nhân trong nước trong vòng 12 tháng tới.
Ông Saccomanni cũng bày tỏ tin tưởng Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sớm đưa Italy ra khỏi danh sách những nước bị "tuýt còi" do tình trạng thâm hụt ngân sách quá mức, có lẽ là vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu.
Tuy nhiên, OECD đã ca ngợi "chương trình cải cách đầy tham vọng" được Italy khởi xướng hồi năm ngoái, đồng thời cho rằng nước này có thể sớm thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài nhất trong hai thập kỷ qua. Theo OECD, những cải cách của Italy "đã làm giảm bớt các mối nguy cơ sụt giảm kinh tế và có thể giúp nước này thoát khỏi suy thoái vào cuối năm 2013."
OECD cũng cảnh báo Chính phủ liên minh tả - hữu mới của Italy, đứng đầu là Thủ tướng Enrico Letta phải thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có những biện pháp gây tranh cãi nhằm giúp thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn. Đây là những biện pháp đã được chính quyền tiền nhiệm Mario Monti đưa ra trước đó.
Một điểm đáng chú ý khác là OECD khuyến nghị Chính phủ Letta nên tiếp tục những nỗ lực của người tiền nhiệm Monti nhằm ổn định nền tài chính công. OECD cho rằng việc duy trì nỗ lực củng cố tài khóa là yếu tố quan trọng để đưa tỷ lệ nợ công của Italy đi theo chiều hướng giảm trong khoảng thời gian trung hạn.
Những biện pháp ngân sách cũng nên tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên nhằm tránh làm gia tăng các loại thuế vốn đã đứng ở mức cao ở Italy./.
Ngự Bình/Rome
Vietnam+
|