Con đường kinh tế “mờ mịt” của Triều Tiên
Việc Triều Tiên đóng cửa khu công nghiệp Kaesong chung với Hàn Quốc cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng đặt các vấn đề chính trị lên trên những cải cách kinh tế cần thiết, đồng thời tăng cường sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng con đường trước mắt đối với nền kinh tế của Triều Tiên dường như đang trở nên mờ mịt hơn.
Nền kinh tế tự cung tự cấp của Triều Tiên không đủ sức đáp ứng các nhu cầu về lương thực và năng lượng của người dân
|
Tờ Wall Street Journal cho biết, hiện chỉ còn 7 người Hàn Quốc còn lại trong khu công nghiệp Kaesong nằm ở phía Bắc của biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Họ ở lại để giải quyết một số bất đồng nhỏ về tiền lương, nhưng dự kiến sẽ quay trở về nhà trong vài ngày tới. Khi đó, việc rút toàn bộ công nhân viên người Hàn Quốc ra khỏi khu này sẽ hoàn tất.
Kaesong, biểu tượng cuối cùng còn lại của sự hợp tác kinh tế liên Triều, đã bị phía Triều Tiên ngưng hoạt động kể từ ngày 9/4. Triều Tiên đã rút toàn bộ 53.000 công nhân viên khỏi khu này, và từ chối những lời đề nghị đối thoại sau đó từ Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng “dứt áo” khỏi Kaesong, bất chấp nền kinh tế đang đối mặt đầy thách thức sau nhiều năm chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Nền kinh tế tự cung tự cấp của Triều Tiên không đủ sức đáp ứng các nhu cầu về lương thực và năng lượng của người dân. Mấy năm trước, hệ thống phân phối của nhà nước tại đây đã gần như tê liệt, khiến người dân phải dựa vào thị trường tư nhân để tìm kiếm nguồn cung các mặt hàng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Với tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, khoảng 2/3 trong số 24 triệu người Triều Tiên hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực thường xuyên.
Từ năm 2004 tới nay, mỗi năm Kaesong đem về cho Triều Tiên khoản thu nhập khoảng 90 triệu USD là tiền lương nhân công. Tuy nhiên, khi căng thẳng trong quan hệ liên Triều gia tăng trong năm nay, Bình Nhưỡng đã thể hiện thái độ sẵn sàng đóng cửa khu công nghiệp này để gia tăng áp lực chính trị với Seoul.
“Việc đóng cửa Kaesong sẽ chỉ đem tới những thiệt hại và mất mát lớn cho phía Hàn Quốc chứ không phải là Triều Tiên”, truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố hôm thứ Bảy vừa rồi. “Trái lại, đóng cửa Kaesong sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến vĩ đại nhằm thống nhất hai miền, vì khu vực Kaesong rộng lớn sẽ có thể được tái chiếm làm một khu quân sự”.
Bất chấp những đe dọa gần đây về tấn công và thử vũ khí hạt nhân từ phía Triều Tiên, một số nhà phân tích vẫn hy vọng nước này sẽ có những cải tổ rộng lớn về kinh tế. Việc Bình Nhưỡng hôm 2/4 bổ nhiệm ông Pak Pong Ju vào vị trí Thủ tướng đã làm gia tăng những hy vọng như thế, bởi ông Pak được biết đến như một người từng nỗ lực đưa ra các cải cách kinh tế ở Triều Tiên. Trước đây, ông Pak từng giữ cương vị Thủ tướng Triều Tiên từ năm 2003-2007.
Tuy nhiên, động thái dừng hoạt động khu công nghiệp Kaesong lại cho thấy, đối với Bình Nhưỡng, các vấn đề kinh tế dường như chỉ là phụ so với các vấn đề về chính trị.
Theo ông Scott Snyder, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về các vấn đề Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ, việc đóng cửa Kaesong sẽ “gửi đi một thông điệp nhiễu loạn tới các nhà đầu tư phương Tây”. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng gọi động thái này của Triều Tiên là “rất đáng thất vọng”. Theo bà Park, chẳng quốc gia nào sẽ đầu tư vào Triều Tiên nếu nước này vi phạm các quy định quốc tế.
Tháng 4 vừa qua, chuỗi khách sạn cao cấp Kempinski của châu Âu đã rút khỏi kế hoạch vận hành khách sạn cao 105 tầng ở Bình Nhưỡng do căng thẳng liên Triều gia tăng.
Ông Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, cho rằng, Bình Nhưỡng dám đóng cửa Kaesong là vì mức độ phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc ngày càng lớn. Theo số liệu mà ông Go đưa ra, thương mại Trung-Triều đã tăng lên mức 5,9 tỷ USD vào năm 2012 từ mức 3,4 tỷ USD vào năm 2010.
Hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên trong các lĩnh vực giao thông, phát điện và cơ sở hạ tầng đều tập trung ở đặc khu kinh tế Rason nằm ở phía Đông Bắc của nước này. Khu Rason có quy mô lớn hơn nhiều so với Kaesong và được xem là nền móng cho các hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Triều Tiên.
Theo Open Source Center, một tổ chức cung cấp thông tin tình báo thuộc Chính phủ Mỹ, khoảng 2/3 trong số 351 liên doanh của Triều Tiên với nước ngoài là liên doanh với Trung Quốc, còn lại là các liên doanh với Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Theo ông Go, có thể Bình Nhưỡng tự tin là sẽ bù đắp được bất kỳ thiệt hại nào do việc đóng cửa Kaesong gây ra. “Đối với hơn 50.000 công nhân mất việc, Bình Nhưỡng có thể đưa họ quay lại những ‘đơn vị lao động’ quốc doanh mà họ đã làm việc trước kia”, ông Go nói.
Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng gần đây đang làm phương hại tới quan hệ kinh tế Trung-Triều. Dường như Trung Quốc đã mất kiên nhẫn trước thái độ dọa nạt mà Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc và các nước đồng minh của Seoul.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc hồi tháng 4 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm 13,8%, còn 720 triệu USD.
“Không một ai được phép đẩy khu vực và toàn thế giới vào sự hỗn loạn vì mục đích tư lợi”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra vào tháng 4. Đây được coi là một lời cảnh báo gián tiếp đối với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, đến nay, Triều Tiên vẫn thiếu một khung pháp lý rõ ràng cho các nhà đầu tư. Chính sách đầu tư kém thân thiện của nước này đã khiến không ít nhà đầu tư Trung Quốc gặp rắc rối. Điển hình, vào năm ngoái, hãng khai mỏ Xiyang của Trung Quốc tố cáo phía Triều Tiên đánh cắp bí quyết, chiếm đoạt một liên doanh khai quặng với hãng này, rồi trục xuất công nhân Trung Quốc. Theo Xiyang, vụ việc này là một “cơn ác mộng” và khiến họ thiệt hại nhiều triệu USD.
Theo các chuyên gia, tân Thủ tướng Pak của Triều Tiên sẽ phải đối mặt với một chặng đường gập gềnh phía trước nếu ông muốn thực hiện các cải cách kinh tế.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng trước, ông Pak ủng hộ các biện pháp như tăng lương, cởi mở hơn với các hoạt động thị trường, tăng cường khuyến khích nông dân sản xuất… Tuy nhiên, các chính sách này nhanh chóng bị đảo ngược sau khi bị chỉ trích là tư bản thái quá. Những nỗ lực của ông Pak đã vấp phải sự phản đối từ phía đảng Lao động cầm quyền và quân đội Triều Tiên, rút cục khiến ông mất chức Thủ tướng.
Ông Kim Kwang Jin, một cựu quan chức thuộc lĩnh vực ngân hàng ở Triều Tiên đã rời sang Hàn Quốc vào năm 2003, cho rằng, những động thái mới nhất của Triều Tiên càng gây thêm trở ngại kinh tế cho nước này, đồng thời khiến thế giới chẳng còn mấy lựa chọn để đàm phán với Bình Nhưỡng.
“Thêm những động thái gây hấn sẽ chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế, tạo ra thêm những nỗi lo sợ và chật vật ở Triều Tiên. Tôi không nghĩ là Triều Tiên có thể tiếp tục tồn tại nếu cứ đi theo con đường này”, ông Kim, người hiện công tác tại Viện Chiến lược an ninh quốc gia của Hàn Quốc, đánh giá.
An Huy
vneconomy
|