Những dấu hiệu cảnh báo một cuộc đại suy thoái mới
Một loạt dấu hiệu tiêu cực từ nền kinh tế châu Âu đang phát đi hồi chuông cảnh
báo, khiến giới phân tích không thể loại trừ nguy cơ thế giới rơi vào cuộc đại
suy thoái mới.
Theo giới phân tích, một trong những bằng chứng rõ nhất của nguy cơ này, là việc
tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp và Tây Ban Nha vượt mức kỷ lục của Mỹ trong thời kỳ
đại suy thoái diễn ra đầu những năm 30 của thế kỷ trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của
hai nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này cùng lên tới hơn 27% trong
tháng Ba vừa qua, đẩy tỷ lệ thất nghiệp trung bình trên toàn Liên minh châu Âu
(EU) lên gần 11% và tại Eurozone lên 12%.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong
thanh niên tại EU hiện là 23,5%. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu cũng
có tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, tới 10,6%.
Trong khi doanh số bán ôtô của Pháp và Đức giảm lần lượt 16% và 17% trong tháng
3/2013, tại Hà Lan, nợ tiêu dùng hiện đã tăng lên khoảng 250% thu nhập ròng.
Tại
Italy, sản lượng công nghiệp giảm 25% trong 5 năm qua, còn tỷ lệ nợ công tính
trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên 136%.
Số công ty Tây Ban Nha nộp đơn
xin phá sản tăng 45% so với một năm trước. Do bong bóng nhà đất vỡ tung tại Tây
Ban Nha, hiện vẫn còn tới 3 triệu căn hộ bị bỏ không.
Ngân hàng Deutsche của
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có tới hơn 72.000 tỷ USD thuộc diện "dễ bị
tổn thương," trong khi GDP của Đức hiện chỉ khoảng 3.600 tỷ USD.
Suy thoái kinh
tế toàn diện đang hoành hành khắp Nam Âu, cũng được dự báo sẽ sớm lan sang Bắc
Âu và cuối cùng sẽ lan khắp toàn cầu. Đây được xem là những dấu hiệu rõ nét báo
hiệu nguy cơ đại suy thoái.
Dấu hiệu tiếp theo thể hiện ở giá trị các khoản nợ khó đòi tại châu Âu, kể từ
năm 2007 đã tăng thêm 150%. Số tiền rút ra tại Cộng hòa Síp, quốc gia vừa phải cầu
viện cứu trợ từ quốc tế, trong tháng 3/2013 đã tăng gấp đôi so với tháng trước
đó, mặc dù các ngân hàng Síp đã đóng cửa tới nửa tháng để tránh nguy cơ có thể
sụp đổ hệ thống ngân hàng do hết tiền mặt.
Các nhà phân tích lưu ý rằng những gì đang xảy ra tại châu Âu có thể sẽ lặp lại
tại Mỹ, do thực tế tình hình tại Mỹ khá giống với tình hình châu Âu khi mức nợ
công hiện cao chưa từng thấy và các hệ thống ngân hàng dựa vào "đòn bẩy" quá
mức.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đang in tiền nhiều quá mức, và mặc dù chứng khoán
Mỹ cho đến nay có vẻ khởi sắc, nhưng sự thật là thị trường chứng khoán đang trở
nên tách rời hoàn toàn khỏi thực tế kinh tế.
Xét tới các cơ sở kinh tế, tình
hình đang xấu đi ở mức nhanh chóng giống như trước cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu năm 2008./.
Vietnam+
|