Nghịch lý tiền tăng - thanh khoản giảm
Dù số dư tiền gửi của NĐT tại các CTCK tăng lên, nhưng điều nghịch lý là thanh khoản trên thị trường lại giảm mạnh.
Theo báo cáo tài chính quý I/2013 của CTCK Sài Gòn (SSI), số dư tài khoản tiền gửi NĐT đạt 820 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm cuối năm 2012 (695 tỷ đồng). Tại CTCK VNDirect (VND), số dư tiền gửi tại thời điểm 31/3 đạt 598,78 tỷ đồng, tăng 23,6% so với thời điểm cuối năm 2012 (484,43 tỷ đồng). Số dư tiền gửi NĐT tại CTCK TP. HCM - HSC (HCM) thời điểm cuối quý I/2013 cũng ghi nhận mức 632,39 tỷ đồng, tăng 66% so với thời điểm cuối năm 2012 (số dư 380,6 tỷ đồng). CTCK Bảo Việt (BVS) cũng ghi nhận sự tăng nhẹ tài khoản tiền gửi đầu tư chứng khoán, tính đến hết ngày 31/3/2013, tiền gửi của NĐT tại công ty này đạt 261 tỷ đồng, trong khi số dư tại thời điểm cuối năm 2012 là 246 tỷ đồng. Tại một số CTCK như VietinbankSC, Agriseco, FPTS…, số dư tiền gửi của NĐT cũng tăng từ 10% đến 20%. Cần phải nói thêm là số dư tiền gửi này không bao gồm số dư tiền gửi của các quỹ đầu tư và các khoản tương đương tiền của các CTCK.
Tính đến 31/3, số dư trên tài khoản tiền gửi của NĐT tại các CTCK đạt 6.700 tỷ đồng
|
Vấn đề đặt ra là lượng tiền NĐT để trong tài khoản có xu hướng tăng lên, trái ngược với thanh khoản toàn thị trường lại đang trên đà giảm sút. Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng, trên thực tế, những NĐT có “thói quen” để tiền ở tài khoản giao dịch chứng khoán thường là những người thường xuyên lên sàn giao dịch, số còn lại thường vẫn để trong tài khoản ngân hàng và khi cần có thể rút ra ngay để nộp vào CTCK. Tuy nhiên, đó là vào những thời điểm lãi suất tiền gửi ngân hàng tương đối cao. Còn trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất tiền gửi khá thấp, nhiều NĐT cho biết, khi bán chứng khoán xong không muốn rút tiền gửi ngân hàng mà để nguyên trong tài khoản chứng khoán, bởi chênh lệch lãi suất không còn cao như trước và có thể sẵn sàng tham gia mua bán khi có cơ hội. Nhưng hiện tại, họ chưa nhìn thấy cơ hội thị trường và cũng không còn thấp hấy dẫn bởi lãi suất ngân hàng nên “cứ để tiền trong tài khoản cho lành”.
Theo một nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tính đến ngày 31/3/2013, số dư trên tài khoản tiền gửi của NĐT tại các CTCK đạt 6.700 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2012. Theo đánh giá của cơ quan này thì đây là một tín hiệu tích cực.
Có thể thấy, số tiền gửi của NĐT cũng góp phần “tô đẹp” báo cáo tài chính tại nhiều CTCK. Tuy nhiên, theo Dự thảo chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK mà Bộ Tài chính vừa công bố thì các CTCK phải “bóc tách” tiền của NĐT ra khỏi bảng cân đối của CTCK. Khi đó, bức tranh của các CTCK sẽ ra sao?
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một CTCK cho rằng, tiền gửi của NĐT cũng có thể được coi là một phần tài sản của CTCK, bởi CTCK vẫn đang “điều hành” khoản tiền đó dùng để thanh toán, điều chỉnh thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của khách hàng. Và nếu tách tài khoản này thì sẽ khó phản ánh toàn diện hoạt động của CTCK.
Mặc dù vậy, theo vị này, nếu phải tách khoản tiền của NĐT ra khỏi bảng cân đối thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh và kết quả kinh doanh của các CTCK. Đồng thời, việc này chỉ có thể thực hiện được khi CTCK tách bạch hẳn tài khoản của NĐT, không “lạm dụng” tài khoản NĐT cho mục đích tự doanh của CTCK.
Rõ ràng, mấu chốt vấn đề không phải nằm ở việc có nên bóc tách tài khoản tiền gửi NĐT ra khỏi bảng cân đối kế toán, mà chính ở chỗ CTCK có tách bạch tài khoản của NĐT một cách triệt để hay không. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, UBCK cho biết, sẽ tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các CTCK và sẽ có chế tài xử lý những CTCK không chịu tách bạch tài khoản NĐT.
Với các NĐT, khi lượng tiền để trong tài khoản là không nhỏ, nhất là với những CTCK chưa tách bạch tài khoản thì cần thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình, dù không tiến hành giao dịch thường xuyên.
Theo UBCK, hiện nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT, nên các CTCK không có lý do gì để trì hoãn việc tách bạch tài khoản của công ty với tài khoản khách hàng. Để thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi, CTCK phải xây dựng một hệ thống để đáp ứng cả hai phương thức quản lý tiền dưới đây để khách hàng lựa chọn và có thể thực hiện một trong hai phương án. Thứ nhất, CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền của khách hàng. Thứ hai là khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do CTCK lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Theo đó, CTCK và ngân hàng thương mại có thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng. |
Hoàng Anh
đầu tư chứng khoán
|