CTCK “canh” cổ phiếu bị tuýt còi
Các CTCK đang bận rộn với một công việc mới: cập nhật cổ phiếu bị tuýt còi để thông tin tới khách hàng nhằm giúp họ tránh bị “sập bẫy” hàng kém chất lượng.
* Mối lo cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát và tạm ngừng giao dịch
189 cổ phiếu bị “tuýt còi”
Từ đầu năm đến nay, TTCK ghi nhận tình trạng số lượng cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch và hủy niêm yết tăng đột biến. Tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại khi kinh tế vĩ mô, TTCK và DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
“Theo thống kê được cập nhật đến ngày 9/5, trên cả hai sàn có tới 189 trong tổng số hơn 700 cổ phiếu đang niêm yết bị ‘tuýt còi’. Trong đó, lượng cổ phiếu chịu ‘án’ cảnh báo chiếm số lượng lớn nhất, với 123 cổ phiếu; 33 cổ phiếu bị kiểm soát, 23 cổ phiếu bị hủy niêm yết và 10 cổ phiếu trong trạng thái tạm ngừng giao dịch. Phần lớn cổ phiếu bị hủy niêm yết, cảnh báo, kiểm soát đều niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX)”, đại diện một CTCK cho biết và chia sẻ, cổ phiếu thuộc diện này thanh khoản rất kém, gần như không có giao dịch, nếu cổ phiếu nào có thanh khoản và giá tăng thì nhiều khả năng là do các chiêu trò đẩy giá lên để thoát hàng của các “đội lái”. Điều này gây rất nhiều rủi ro cho NĐT.
Gần 1/3 số cổ phiếu niêm yết thuộc dạng “kém chất lượng”
|
Theo một số NĐT mở tài khoản tại CTCK SSI, do danh sách cổ phiếu trên cả sàn HOSE và HNX bị rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch và hủy niêm yết biến động hàng ngày, nên NĐT khó có điều kiện cập nhật thường xuyên. Bởi vậy, “bẫy” hàng kém chất lượng đang giăng ra nhiều hơn, khiến NĐT rất dễ… sập và đối mặt với rủi ro lớn. NĐT nước ngoài còn gặp khó khăn hơn so với NĐT trong nước khi muốn tránh bẫy này.
“NĐT nước ngoài đang rất bị động trước các thông tin về cổ phiếu bị hủy niêm yết, tạm ngừng giao dịch, cảnh báo hay kiểm soát từ phía cơ quan chức năng. Việc thông báo danh sách cổ phiếu trong các diện này bằng tiếng Anh trên website của HOSE, HNX, Trung tâm Lưu ký vẫn có sự chậm trễ từ một vài giờ đến cả ngày. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam trong con mắt NĐT nước ngoài”, trưởng bộ phận quản lý rủi ro một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài nhận xét.
Trước thực tế trên, các CTCK phải nghĩ cách phòng ngừa rủi ro cho chính mình, cũng như khách hàng. Cụ thể, CTCK cử người theo dõi để kịp thời cập nhật tới khách hàng danh sách các cổ phiếu bị “tuýt còi”.
Cần mạnh tay lọc hàng kém chất lượng
Thực ra, việc nâng cao chất lượng hàng hóa đã được đề cập tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, khi nâng chuẩn niêm yết trên hai Sở GDCK. Thế nhưng, việc nâng chuẩn này chỉ áp dụng đối với các DN mới niêm yết kể từ khi nghị định này có hiệu lực ngày 15/9/2012, trong khi lượng hàng hóa niêm yết trong những năm gần đây và dự báo những năm tới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Rõ ràng, việc nâng chuẩn niêm yết với các cổ phiếu mới là chưa đủ để nâng cao chất lượng hàng hóa. Nhiều NĐT cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần có giải pháp mạnh tay hơn trong đào thải lượng cổ phiếu kém chất lượng đang tồn tại. Theo đó, thay vì không áp dụng chuẩn niêm yết mới đối với các DN đã niêm yết trước thời điểm Nghị định 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực, cần có lộ trình buộc các DN này phải tăng vốn, cũng như thỏa mãn các yêu cầu về tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) và các chỉ tiêu khác đã được quy định tại Nghị định. UBCK cũng cần chỉ đạo các Sở GDCK siết chặt hơn việc quản lý niêm yết, để kịp thời sàng lọc các cổ phiếu kém chất lượng, qua đó giảm thiểu rủi ro cho NĐT, cũng như cải thiện sức hấp dẫn cho TTCK.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|