Nên áp trần lãi suất cho vay
Chính phủ nên giảm các khoản đầu tư trực tiếp để dành vốn ưu tiên trả nợ xấu cứu doanh nghiệp.
Tại Hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp - giải pháp dòng tiền” (Hà Nội, sáng 20-5), PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề xuất: Cần thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, cụ thể là áp đặt trần lãi suất cho vay thay vì áp đặt trần lãi suất huy động.
PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng cách điều hành chính sách hành chính và ngắn hạn như thời gian qua đã làm tăng sự bất ổn và giảm lòng tin. Điển hình là các chính sách điều hành giá xăng dầu, than, điện, lãi suất nặng về hành chính và đi ngược lại tuyên bố và cam kết với WTO.
“Trong đó, cơ chế điều hành áp đặt lãi suất huy động và tùy định lãi suất cho vay hiện nay là bảo đảm lợi ích cho ngân hàng “nhường” rủi ro cho dân và doanh nghiệp. Cơ chế này đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực “kép”. Đó là làm suy yếu động cơ gửi tiền của dân (tức là hạn chế nỗ lực chống lạm phát) và làm chậm quá trình tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp (cũng chính là làm suy yếu nỗ lực phục hồi tăng trưởng)” - ông Thiên phân tích.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nên áp đặt trần lãi suất cho vay thay vì áp đặt trần lãi suất huy động.
|
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho hay những năm trước đây tỉ lệ doanh nghiệp kinh doanh dựa vào vốn tự có khá nhiều nhưng tỉ lệ này gần đây rất ít, chỉ khoảng 1/3. Hầu hết doanh nghiệp dựa vào vốn vay của ngân hàng là chính. Chính vì thế nên cơ chế lãi suất có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Minh họa cho điều này, TS Đặng Đức Sơn đã kể trường hợp Công ty SHN bị nghẽn các khoản phải thu đến 200 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy SHN vào tình trạng kinh doanh bê bết, trong khi chẳng có ngân hàng nào dám cho vay. Kết quả doanh thu thuần cả năm 2012 của SHN chỉ đạt 78 tỉ đồng, chưa bằng một nửa doanh thu cùng kỳ năm trước, chịu lỗ 127 tỉ đồng.
Nhiều rủi ro khác trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế cũng đã được ông Thiên chỉ ra. Đơn cử là tình trạng thông tin, số liệu thiếu và ít công khai minh bạch, nhất là số liệu nợ xấu và tồn kho bất động sản.
“Theo tôi, ngoài ngân hàng và doanh nghiệp ra, khoản nợ xấu lớn nhất đang nằm ở Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã giao cho nhiều doanh nghiệp làm công trình này, dự án kia. Các doanh nghiệp không có vốn thực hiện phải đi vay ngân hàng vào thời điểm lãi suất cao. Đến nay Chính phủ chưa thanh toán đủ các khoản này khiến doanh nghiệp phải lãnh đủ. Vì vậy, tôi nghĩ Chính phủ nên giảm các khoản đầu tư trực tiếp mà dành vốn ưu tiên hàng đầu để trả nợ cứu doanh nghiệp. Như vậy mới giải quyết được tình trạng nợ xấu hiện nay” - ông Thiên đề nghị.
Bên cạnh đó, ông Thiên cũng đề xuất Chính phủ nên dành nguồn lực để “phục hồi sức khỏe” cho nền kinh tế sau khủng hoảng thay vì phải chạy theo tăng trưởng. Đối với vấn đề tái cơ cấu, Chính phủ chỉ nên tập trung vào một số tập đoàn cốt yếu vì việc này rất tốn kém, trong khi nguồn lực đang khiêm tốn, thậm chí là trong tình trạng “tay không bắt giặc”. Nếu tái cơ cấu “tất tần tật” thì chỉ e là đề án lại… nằm trên giấy.
T.Hằng
Pháp luật tphcm
|