Mua nhà chạy Nghị định, lo 'cò' đất vớ bẫm
Cơ hội mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo chính sách cũ chỉ còn tính bằng ngày, nên nếu chậm chân, người mua nhà sẽ phải chịu mức giá cao gấp chục lần hiện nay.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 34/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (có hiệu lực từ 6/6/2013), thay thế Nghị định 61/NĐ-CP.
Nghị định 34/NĐ-CP quy định rõ: “Với các trường hợp đã nộp đơn đề nghị mua nhà trước ngày 6/6/2013, Chính phủ cho phép áp dụng chính sách bán nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP, nếu nhà ở đó có đủ điều kiện được bán”.
Mua nhà sở hữu nhà nước sẽ phải chịu mức giá mới từ 6/6/2013
|
Do thay đổi về chính sách tài chính, người mua nhà từ thời điểm 6/6/2013 sẽ phải nộp tiền theo cơ chế năm 2013. Theo đó, sẽ áp giá đất 2013. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên – Môi trường, giá đất mới (do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành) ở thời điểm đầu năm 2013 đã tăng từ 8 - 15 lần so với giá đất năm 2004 (trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực).
Tương tự, tiền nhà (chi phí mua “nhà 61” gồm tiền sử dụng đất và tiền nhà) cũng sẽ phải nộp theo cơ chế hiện hành chứ không thấp như mức giá cũ.
Vì thế, người dân nào nộp đơn xin mua nhà trước thời điểm 6/6/2013 sẽ được lợi hơn rất nhiều.
Trước lo ngại về việc người dân sẽ đổ dồn về nộp hồ sơ trong những ngày trước giờ khóa sổ gây ra quá tải, đã xuất hiện hiện tượng các cò đến tận nhà người dân để rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, để tránh tiền mất tật mang, người mua nhà không nên tin vào các cò đất.
“Người dân phải tin vào nhà nước, cơ quan có trách nhiệm, người dân cứ đến các xí nghiệp, công ty kinh doanh nhà của thành phố để thu thập hồ sơ, đến hết ngày 5/6 sẽ hết thời gian nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ sẽ được thực hiện theo Nghị định 61”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, nhà nước đã có cơ chế rất rõ ràng, nên không việc gì phải thông qua môi giới nào cả. Cứ đến cơ quan bán nhà của thành phố quy định. Thành phố Hà Nội cũng đã có thông báo đến từng hộ gia đình trên hệ thống loa đài rồi, nên không phải qua “cò” đất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến hiện nay cho rằng, cơ chế đã rõ ràng nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên nhiều người mua hoang mang, chưa biết phải thực hiện như thế nào.
Ông Hà cho biết: “Đúng là vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng không phải không rõ ràng mà là chưa có hướng dẫn cụ thể. Bộ Xây dựng đã họp với các địa phương ngày hôm kia (tức ngày 21/5) và dự kiến trong tháng 5 này sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể”.
Về việc chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, người mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước sẽ phải mua nhà theo giá đất mới, cao gấp mấy chục lần so với giá cũ có gấp gáp quá không?
Ông Hà nói: “Trên thực tế, Nghị định 34 cũng đã rất rõ rồi, mua nhà đã có cách đây 20 năm rồi. Đơn rồi quy trình mua nhà đã có cách đây 20 năm rồi. Và đang triển khai trong suốt 20 năm vừa qua. Đơn, trình tự, thủ tục đã có, chứ không phải mới”.
Trước lo ngại về việc người dân sẽ đổ dồn về nộp hồ sơ trong những ngày trước giờ khóa sổ gây ra quá tải, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao tiếp nhận hồ sơ) cho biết, Công ty đã bố trí đầy đủ cán bộ để tiếp đón, hướng dẫn người dân nộp đơn mua nhà.
“Người dân thường có tâm lý đợi tới những ngày cuối cùng mới đi nộp đơn chứ hiện nay vẫn ít người tới nộp. Dù Hội đồng bán nhà ở thành phố đã chốt thời gian nộp đơn là 17h ngày 5/6/2013 nhưng giả sử có người dân nộp sau giờ đó, thậm chí là tới 19-20h, thì công ty vẫn tiếp nhận bình thường”, ông Sơn cho biết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện hồ sơ nhà ở có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện tự quản trên địa bàn đã được kê khai nộp hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận do Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tự tổ chức (tại nơi tiếp nhận hồ sơ).
Châu Anh
VTC News
|