Méo mặt vì đồng yen mất giá
Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật đang rất lo lắng khi đồng yen liên tục trên đà lao dốc. Trong vòng sáu tháng, đồng yen Nhật đã giảm gần 20% so với VND và được dự báo chưa chịu dừng lại ở mức này.
Nhật là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp VN, chính vì vậy, việc giảm giá này đã tác động ngay tức thì đến các hợp đồng xuất khẩu.
Sản xuất tấm lót xe đẩy hàng tại nhà máy của Công ty CP Nhựa Sài Gòn
|
Đàm phán lại hợp đồng
Còn 84.000 sản phẩm miếng lót sàn xe đẩy dùng để sử dụng trong sân bay, các khu công nghiệp xuất sang Nhật đến cuối năm 2013, trị giá hơn 830.000 USD, nhưng lãnh đạo Công ty CP Nhựa Sài Gòn mới đây đã phải chấp nhận chốt giá xuất khẩu ngay từ tháng 4-2013 với khách hàng Nhật. “Khách đặt hàng đã ngồi lại thương lượng với chúng tôi về vấn đề này, và cả hai đi đến quyết định cùng chia sẻ tổn thất trước tình trạng đồng yen mất giá liên tục trong thời gian qua” - ông Cao Văn Sang, tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Sài Gòn, xác nhận.
Theo ông Sang, thay vì chọn sử dụng thanh toán bằng đồng yen hoặc VND cho các hợp đồng đã ký như khách hàng đề nghị, Nhựa Sài Gòn chọn cách giảm giá đơn hàng xuống 0,02% so với giá chào hàng ban đầu nhưng được thanh toán bằng USD, dù chấp nhận sẽ gặp tổn thất nếu tỉ giá đồng yen Nhật tiếp tục giảm trong thời gian tới. Cách đây sáu tháng, 1 yen đổi được 246,05 đồng thì đến ngày 21-5, 1 yen chỉ còn đổi được 205,34 đồng, giảm 40,71 đồng so với trước.
Đồng yen mất giá cũng tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản. Ông Nguyễn Phạm Thanh, tổng giám đốc Công ty Highland Dragon (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương), cho biết các doanh nghiệp chế biến cá ngừ đóng hộp xuất khẩu sang Nhật Bản chịu tác động khá nặng từ việc đồng yen mất giá. “Giá nhập khẩu hàng hóa nói chung và cá ngừ nói riêng vào Nhật tăng khá mạnh khiến các khách hàng Nhật đòi xem xét lại các hợp đồng và giá cả trong thời gian tới” - ông Thanh lo lắng.
Với tôm, ông Nguyễn Văn Kịch - tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, đơn vị có tới 60-70% doanh số tôm xuất khẩu cho Nhật - cho biết các nhà nhập khẩu tôm của Nhật Bản đang gặp khó khăn do giá bán bị đẩy lên cao. “Do đồng yen mất giá trên 20% nên giá nhập khẩu vào Nhật tăng tương ứng, chưa kể giá bán nội địa cũng tăng thêm 20% so với trước nên tổng cộng giá tôm tại thị trường Nhật Bản đã tăng 40%” - ông Kịch phân tích. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu và phân phối tôm Nhật Bản đã thay đổi cách mua hàng, từ hợp đồng dài hạn với số lượng khá lớn trước kia sang bán tới đâu mua tới đó nhằm tránh đối mặt với rủi ro nếu trữ một nguồn hàng lớn trong trường hợp đồng yen tăng giá trở lại.
Ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại VN, nói đang hơi lo cho xuất khẩu của VN sang Nhật năm 2013 sau khi thống kê tình hình xuất khẩu bốn tháng đầu năm vào thị trường này khi thấy giá trị kim ngạch nhập khẩu có dấu hiệu chững lại, nhất là so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Dũng, những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là thách thức cho doanh nghiệp VN khi “độ ngấm” của các chính sách kích thích mà Nhật Bản đang triển khai sẽ rõ ràng hơn. Kể từ khi lên nắm chính quyền, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nhiều biện pháp phá giá đồng yen với mục tiêu kích thích xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư ra bên ngoài.
Nhập khẩu cũng chưa vội mừng
Về lý thuyết, một khi đồng yen giảm giá sẽ kéo theo hàng Nhật nhập khẩu vào VN rẻ hơn, đặc biệt là hàng nguyên phụ liệu nhưng các doanh nghiệp VN cho biết với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp không hấp thu hết những lợi thế đó.
Bà Trần Linh Phương - giám đốc Công ty sản xuất thương mại Phương Châu (Q.5, TP.HCM), chuyên sản xuất bánh xe dành cho các loại xe đẩy cỡ nhỏ - tỏ ra tiếc rẻ khi cho rằng thời điểm này nếu nhập được thêm một số thiết bị chuyên dùng cho việc sản xuất chắc chắn giá sẽ tốt hơn rất nhiều so với trước. “Nhưng bây giờ đầu ra khó khăn, đơn hàng bữa có bữa không, sao dám đổ thêm tiền để đầu tư” - bà Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Thời Hồ Nhật - chủ đầu tư hệ thống HachiHachi - cho biết một số mặt hàng nhập khẩu tại cửa hàng đang được giảm giá, có mặt hàng giảm đến 25%, tuy nhiên mức giảm này do nhà kinh doanh chủ động điều chỉnh để kéo sức mua. “Đồng yen giảm giá giúp cho hàng nhập khẩu rẻ hơn chỉ có tác dụng đối với những mặt hàng sản xuất tại Nhật Bản. Những mặt hàng do nhà sản xuất Nhật Bản đặt gia công ở một nước thứ ba như Trung Quốc, Hàn Quốc... lại trở nên đắt đỏ hơn” - ông Nhật phân tích. Để tận dụng cơ hội đồng yen giảm giá, nhà bán lẻ cũng đã điều chỉnh cơ cấu hàng nhập khẩu, tuy nhiên nhu cầu của người tiêu dùng vẫn là yếu tố quyết định.
Theo đại diện hệ thống cửa hàng đồng giá Daiso chuyên bán hàng Nhật, sẽ khó giảm giá bán các mặt hàng trong hệ thống vì đồng yen giảm nhưng các chi phí khác đều tăng. Chưa kể sự trượt giá này không có tính ổn định, nếu điều chỉnh giá bán sẽ gây nhiều xáo trộn hơn.
Xuất khẩu hàng tiêu dùng vẫn tăng nhẹ
Theo Thương vụ VN tại Nhật Bản, bốn tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của VN sang Nhật đạt 3,6 tỉ USD. Trong đó có một số mặt hàng giảm như dầu thô giảm còn 731 triệu USD so với 999 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, than đá giảm từ 55 triệu USD xuống 40 triệu USD, nhóm hàng máy quay phim, máy ảnh, linh kiện điện tử giảm còn 10 triệu USD, thủy hải sản giảm 4,8%... Điểm tích cực của tình hình xuất khẩu sang thị trường này là nhóm hàng tiêu dùng, vốn là thế mạnh của VN, vẫn tăng nhẹ. Những mặt hàng có giá trị tăng trưởng tốt của bốn tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012 như gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15% lên 234 triệu USD, may mặc đạt 697 triệu USD, nhóm hàng giày dép tăng từ 103 triệu USD lên 121 triệu USD.
|
Như Bình - Trần Vũ Nghi - Trần Mạnh
tuổi trẻ
|