Lợi nhuận CTCK quý 1 chưa hé sáng
Thị trường chứng khoán trong quý 1/2013 xuất hiện nhiều điểm sáng khi giá cổ phiếu lẫn các chỉ số đều tăng mạnh, đặc biệt thanh khoản mỗi phiên đều đạt từ 1,000 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên với các công ty chứng khoán, kết quả kinh doanh vẫn còn mang màu sắc khá u tối, ngay cả những công ty lớn, có thị phần hàng đầu trên thị trường.
Lợi nhuận quý 1/2013 của các CTCK
ĐVT: tỷ đồng
|
Lỗ “khả quan”
Trong số hơn 50 CTCK lớn nhỏ đã công bố BCTC quý 1/2013, có gần 1/3 doanh nghiệp báo lỗ với tổng cộng hơn 60 tỷ đồng. Phần lớn mức lỗ đều dưới 5 tỷ đồng, duy chỉ có SBS lỗ hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này của SBS đã thấp hơn hẳn so với mức lỗ 680 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2012.
Hầu hết các công ty lỗ đều chưa có cổ phiếu niêm yết, ít tên tuổi và thị phần rất thấp trên thị trường. Riêng SBS trước đây từng niêm yết tại Sở GDCK TPHCM (HOSE) nhưng đã hủy từ cách đây 1 tháng. Hiện nay, công ty vẫn đang tìm cách tái cấu trúc hoạt động để tránh nguy cơ phá sản do tình trạng nợ nần chồng chất và vốn chủ sở hữu âm.
Một đơn vị hiếm hoi trên sàn chịu lỗ trong quý 1 là Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) với 2.27 tỷ đồng. Đây là quý thứ 9 liên tiếp công ty báo lỗ, tuy nhiên mức lỗ này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhờ các khoản chi phí giảm, đặc biệt công ty được hoàn nhập 4.8 tỷ đồng từ dự phòng các khoản nợ khó đòi theo giải trình từ phía PHS.
Các CTCK lỗ trong quý 1/2013
ĐVT: tỷ đồng
|
Lời sụt giảm
Trong khi đó, mặc dù có đến 36 CTCK báo lãi quý 1/2013, với tổng lợi nhuận gần 400 tỷ đồng, nhưng hầu hết đều có tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt đều tập trung ở những CTCK thuộc top đầu.
Một số CTCK giảm LNST quý 1/2013 so với cùng kỳ
ĐVT: triệu đồng
|
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành với 188 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 148.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng mức lợi nhuận này giảm đến 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trong kỳ của SSI chủ yếu đến từ mảng hoạt động tự doanh và được hoàn nhập dự phòng với hơn 138 tỷ đồng và lợi nhuận từ kinh doanh nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán TPHCM (HCM) dẫn đầu về thị phần môi giới quý 1 ở HOSE lẫn HNX nhưng lợi nhuận nhuận sau thuế quý 1/2013 vẫn giảm gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương 23%, đạt 62.86 tỷ đồng do nguồn thu từ giao dịch ký quỹ (margin) và hợp đồng cam kết mua bán lại trái phiếu (repo) đều giảm mạnh, ảnh hưởng từ lãi suất tiền gửi giảm và việc công ty hết được ưu đãi thuế TNDN (20%).
CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) có doanh thu trong kỳ chỉ đạt 34.5 tỷ đồng, giảm gần ½ so với cùng kỳ. Nguồn thu chính của KLS là hoạt động khác (margin và dịch vụ) nhưng chỉ đạt 25.76 tỷ đồng, giảm đến 63.4%. Các hoạt động khác chiếm tỷ trọng rất thấp. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong kỳ của KLS vẫn đạt lần lượt 62.85 tỷ và 50.98 tỷ đồng, giảm hơn 17% cùng kỳ.
Điểm qua BCTC của KLS cho thấy, phần lớn lợi nhuận của công ty đến từ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán trên 123 tỷ đồng.
Hay như Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) dù chiếm tỷ trọng lợi nhuận cao trong ngành, nhưng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ, chỉ đạt 27.28 tỷ đồng. Nguồn thu từ hoạt động khác giảm 27%, đồng thời không có khoản hoàn nhập dự phòng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.
Tương tự, lợi nhuận ròng của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) giảm đến 35% cùng kỳ, xuống còn 22.98 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ cũng giảm đáng kể từ 61.63 tỷ đồng, tụt xuống còn 46.57 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động khác tăng nhẹ hơn 2 tỷ đồng đạt 32.13 tỷ đồng nhưng không giúp tổng doanh của FPTS cải thiện.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) là đơn vị hiêm hoi có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong ngành. Theo đó, doanh thu của BVS đạt 49 tỷ đồng, tăng 7.8% cùng kỳ, lợi nhuận đạt 34.61 tỷ đồng, tăng đến 232% so với mức 10.42 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Công ty cũng giữ được cho doanh thu của hoạt động khác tăng nhẹ, đạt gần 21 tỷ đồng.
Hoàn nhập dự phòng là một khoản không nhỏ giúp công ty đạt được lợi nhuận cao trong kỳ, nhưng không thể hiện rõ tại BCTC và giải trình của công ty về kết quả kinh doanh quý 1.
Trong khi đó, hàng chục CTCK lớn khác như CTS, AGR, PSI, BSI, HPC, HBS… chỉ đạt lợi nhuận vài tỷ, thậm chí vài chục triệu đồng, hoàn toàn không tương xứng với quy mô vốn hàng ngàn tỷ đồng của các đơn vị này.
Đáng chú ý trong quý 1/2013 khi Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVS) dù đã ngừng hết các hoạt động kinh doanh để chuẩn bị cho việc giải thể nhưng vẫn phát sinh doanh thu 2.86 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.47 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hoạt động khác và hoạt động tư vấn.
Qua thống kê sơ bộ một số CTCK công bố báo cáo tài chính, có thể thấy, khoản lỗ hay lời của công ty đều do chi phí quyết định. Chi phí gia tăng cao, các công ty lỗ, cắt giảm chi phí hoặc được hoàn nhập các khoản dự phòng, công ty gia tăng lợi nhuận.
Duy Hoàng (Vietstock)
FFN
|