ĐHĐCĐ SCB: Sốc với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 400%?
Sau hợp nhất giữa ba ngân hàng, SCB ghi nhận lãi nhẹ 77 tỷ đồng trong năm 2012, ngân hàng đặt mục tiêu năm 2013 sẽ nâng mức lãi trước thuế lên 286 tỷ đồng, tăng thêm 4 lần so với cùng kỳ. Một con số tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối thì khoản lãi vẫn chưa phải là cao khi so với những năm trước hợp nhất của ngân hàng.
* 3 nhân vật vừa rút khỏi HĐQT Ngân hàng Sài Gòn là ai?
Chiều ngày 26/4, ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thông qua tất cả các tờ trình của HĐQT.
Kế hoạch lãi trước thuế 386 tỷ đồng, tăng 400%
SCB đặt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 với tổng tài sản 160,857 tỷ đồng, tăng 8%; huy động trên thị trường 1 và thị trường 2 là 139,782, tăng 11.86%; cho vay 108,867 tỷ đồng, tăng 23%; vốn điều lệ tăng lên 13,583 tỷ đồng từ mức 10,584 tỷ đồng. Và cuối cùng là mức lợi nhuận trước thuế 386 tỷ đồng, tăng 400% so với năm 2012.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, SCB đưa ra các các kế hoạch hành động. Trong đó có việc xử lý các vấn đề tồn tại như hoàn trả nợ vay tái cấp vốn, xử lý trạng thái âm vàng, cải thiện tỷ lệ an toàn…
Trong phần thảo luận, cổ đông chất vấn về việc không có cổ tức năm 2012, việc quyết toán của 3 ngân hàng hợp nhất và mong muốn SCB quan tâm đến quyền lợi của cổ đông.
HĐQT cho biết thời điểm 3 ngân hàng hợp nhất là thời điểm khó khăn của nền kinh tế, 3 ngân hàng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nên cùng nhau hợp nhất. Theo HĐQT, việc hợp nhất chỉ có 1 tuần để chuyển đổi 3 ngân hàng thành 1 ngân hàng mới, trong khi 3 ngân hàng với 3 bộ máy khác nhau, 3 cách thức kế toán, 3 cách hoạt động khác nhau.
HĐQT cho rằng, ngân hàng không chia cổ tức là tuân theo đúng quy định của NHNN, SCB giữ lại lợi nhuận để làm nguồn vốn phát triển. Nguồn vốn được tăng thêm sẽ giúp cho tỷ lệ an toàn hoạt động của ngân hàng tăng cao.
HĐQT hy vọng những năm tới đây, hoạt động ngân hàng sẽ vững mạnh và ngân hàng sẽ chia lợi nhuận theo đúng quy định.
Tại kỳ Đại hội lần này, ĐHĐCĐ cũng thông qua các tờ trình khác của HĐQT như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012, phân phối lợi nhuận năm 2012 (quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5%, quỹ dự phòng tài chính 10%, lợi nhuận giữ lại 85%), phê duyệt ngân sách hoạt động của HĐQT, BKS (1,5% chi phí hoạt động năm 2013), ủy quyền cho HĐQT được quyết định một số vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên.
3 thành viên HĐQT từ nhiệm
Ngoài ra, Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch thường trực HĐQT đối với ông Uông Văn Ngọc Ẩn, chức danh Thành viên HĐQT với ông Lê Khánh Hiền và ông Trần Thuận Hòa.
Trong đó ông Ẩn và ông Hòa từ nhiệm vì lý do cá nhân còn ông Hiền từ nhiệm để tập trung công tác quản lý điều hành tại SCB.
Ông Ẩn và ông Hòa là Phó Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT của Ngân hàng Đệ Nhất (FCB) trước khi ngân hàng này tiến hành hợp nhất vào SCB trong năm vừa qua.
Như vậy HĐQT hiện tại của SCB gồm có 6 thành viên:
- Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch)
- Ông Lam Lee G. (Phó Chủ tịch thứ nhất)
- Ông Võ Thành Hùng (Phó Chủ tịch)
- Ông Trầm Thích Tồn (Phó Chủ tịch)
- Ông Đinh Văn Thành (Thành viên)
- Bà Nguyễn Thị Phương Loan (Thành viên độc lập)
Kinh doanh ngoại hối lỗ thuần hơn ngàn tỷ
Tính đến ngày 31/12/2012, SCB ghi nhận tổng tài sản 149,206 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng 87,166 tỷ đồng, tăng 35.3%, trong đó, cho vay khách hàng 88,155 tỷ đồng, tăng 33.4%; khoản đầu tư 11,458 giảm 21,1%.
Về tình hình huy động, ngân hàng huy động trên thị trường 1 là 106,712 tỷ đồng, tăng 35.7% trong khi đó huy động thị trường 2 chỉ 18,251 tỷ đồng giảm 46.2%; vay Ngân hàng Nhà nước 9,772 tỷ đồng, giảm 46.1%.
Thu nhập lãi thuần trong kỳ là 3,195 tỷ đồng. Các mảng dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh đều lỗ, trong đó lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lên đến 1,104 tỷ đồng. Hoạt động khác của ngân hàng cũng ghi nhận những con số lớn, cụ thể ngân hàng ghi nhận hơn cả ngàn tỷ từ hoạt động khác (1,272 tỷ đồng) và tương tự chi phí hoạt động khác cũng lên đến 1,525 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng không công bố thuyết minh BCTC kiểm toán năm 2012 nên chưa rõ những khoản khác này đến từ đâu.
Trong năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế chỉ có 77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 63.8 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết, tổng tài sản tăng chủ yếu do SCB thực hiện cơ cấu các khoản nợ thông qua phương án sử dụng các tài sản có giá trị cao và đầy đủ tính pháp lý để làm tài sản đảm bảo. Cơ cấu tài sản năm 2012 có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng các khoản đầu tư và khoản mục tài sản có khác.
Duy Hoàng (Vietstock)
FFN
|