Thứ Hai, 27/05/2013 21:49

Lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh phân bón

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang là khoản chi phí lớn nhất, chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất lúa của người nông dân hiện nay. Nhưng trên thực tế, việc quản lý mặt hàng này đang còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả diễn ra phức tạp, không xử lý nổi.

Chính vì vậy, tại Hội nghị Cục diện thị trường và định hướng Quản lý nhà nước về phân bón do Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/5, tại Hài Nội, nhiều ý kiến đề xuất đưa phân bón vào danh mục hàng sản xuất có điều kiện nhằm lập lại thị trường và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân.

"Ngậm đắng nuốt cay"

"Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cuộc sống của người nông dân tại không ít địa phương vẫn luôn trong cảnh bấp bênh. Bên cạnh những rủi ro về thiên tai dẫn đến mùa màng thất bát thì tình cảnh phân bón giả đã khiến nhiều nông dân phải ngậm đắng nuốt cay.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hiện nay đáng báo động và diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Cụ thể là tình trạng sản phẩn phân bón thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng, các chỉ tiêu dinh dưỡng thấp hơn tới 80% mức quy định bị phát hiện ngày càng nhiều và khá phổ biến.

Bà Liên ước tính, số tiền mà người nông dân thiệt hại do sử dụng phân bón giả và phân bón kém chất lượng lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, thậm chí nhiều loại cây trồng còn mất trắng do sử dụng phân bón giả.

Công nhân nhà máy Đạm Cà Mau đang thực hiện quy trình đóng gói phân bón

Theo thống kê của liên bộ Công Thương-Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 doanh nghiệp, đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón, nhưng để quản lý thì không dễ.

Đại diện Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện có tới 5.000 loại phân bón có trong danh mục, nhưng cơ quan chức năng thì không thể thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc nên doanh nghiệp nào đó có vi phạm hoặc chất lượng không đảm bảo thì cũng không thể lần ra địa chỉ thực của họ ở đâu.

Đáng chú ý là qua kết quả kiểm tra, phân loại lần đầu 1.466 cơ sở sản xuất do Cục này tiến hành trong năm vừa qua thì loại A (loại tốt) chỉ có 22 cơ sở (chiếm 21,1%); loại B (đạt yêu cầu) có 636 cơ sở (61%); còn loại C tức là chưa đạt vẫn còn khá lớn, có 187 cơ sở chiếm 17,9%.

"Nếu không truy xuất được nguồn gốc sẽ không loại bỏ được những doanh nghiệp xấu," đại diện Cục trồng trọt cho hay.

Trong khi đó, phía cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thì thừa nhận, địa điểm sản xuất phân bón giả thường ở những nơi khó kiểm soát, xa dân cư, do lực lượng mỏng nên hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn chưa theo sát được tình hình.

Những bất cập trên khiến nhiều nông dân nếu có mua phải sản phẩm phân bón kém chất lượng hoặc hàng giả cũng đành phải "ngậm đắng nuốt cay" vì không biết kêu ai.

Có thể loại 60% cơ sở sản xuất phân bón?

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu sử dụng, thậm chí một số mặt hàng như: phân Lân, Urê, NPK đã đáp ứng được 100% nhu cầu cũng như dư thừa để phục vụ cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, do chưa liệt vào mặt hàng có điều kiện nên thời gian, qua số lượng các doanh nghiệp mọc lên nhanh chóng trong khi chất lượng lại tỷ lệ nghịch dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm ra lò nhưng thật giả thì lẫn lộn khó kiểm soát được.

Chính vì vậy, việc đưa hoạt động sản xuất phân bón vào khuôn khổ, có qui hoạch là một việc làm cấp thiết, được nhiều tham luận đưa ra tại hội nghị. Cụ thể, về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón, theo lãnh đạo Cục hóa chất (Bộ Công Thương) thì dự thảo Nghị định mới mà Bộ này đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành liên quan sẽ đưa mặt hàng phân bón vào danh mục sản xuất có điều kiện.

Tức là doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật như địa điểm, diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ phải phù hợp với các loại phân bón sản xuất, có phòng kiểm nghiệm hoặc có hợp đồng liên kết với phòng kiểm nghiệm.

Đặc biệt, yêu cầu về nhân lực được quy định khá nghiêm ngặt, trong đó người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn về hóa học hoặc nông nghiệp từ đại học trở lên.

Với những quy định trên, nếu các quy định như trong dự thảo Nghị định được thực thi sẽ loại bỏ 60% các cơ sở, doanh nghiệp đang sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, gây nhiễu loạn thị trường như hiện nay.

"Một thay đổi quan trọng trong quản lý phân bón là sự phân định rạch ròi về trách nhiệm, đó là Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trực tiếp về phân bón vô cơ, còn Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ quản lý về phân bón hữu cơ và phân bón khác," bà Liên nói.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bổ sung thêm, dự thảo Nghị đinh mới không chỉ điều chỉnh mỗi doanh nghiệp sản xuất mà bản thân các doanh nghiệp kinh doanh phân bón cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Trong đó, ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất thì chủ cơ sở kinh doanh và người trực tiếp bán phân bón phải có trình độ trung cấp hóa học hoặc nông nghiệp trở lên, hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón.

Để siết lại ngành này, Thứ trưởng Thoa cũng cho rằng, hiện Nghị định 15/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón còn chưa đủ để răn đe, mức xử phạt thấp dễ tái phạm, do vậy dự thảo Nghị định mới cũng cần xem xét tới việc nâng mức độ xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm gây nên.

Dự kiến trong tháng 6/2013, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định mới về quản lý thị trường phân bón.

"Đây sẽ là cơ sở quan trọng để lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh phân bón, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà sản xuất chân chính cùng bà con nông dân," Thứ trưởng Thoa nói.

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp NN (27/05/2013)

>   Không để “lợi ích nhóm” móc túi người lao động (27/05/2013)

>   Đà giải thể doanh nghiệp đang chậm lại (27/05/2013)

>   Đồng hồ nước “nhảy múa”, dân lãnh đủ (27/05/2013)

>   Vung ngàn tỉ, giờ bỏ không (27/05/2013)

>   Xăng dầu đang lãi khủng (27/05/2013)

>   Đầu ra bị tắc, vay vốn làm gì? (27/05/2013)

>   Chính sách linh hoạt, hợp lý (27/05/2013)

>   Tạo sản phẩm khác biệt (26/05/2013)

>   Nới lỏng nhiều quy định cho doanh nghiệp vận tải (27/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật