Thứ Năm, 16/05/2013 17:56

Eurozone ở giai đoạn suy thoái dài chưa từng có

Đức - nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) - đã tránh được suy thoái trong quý I, nhưng chừng đó chưa đủ để kéo toàn bộ khu vực này thoát khỏi quý tăng trưởng âm thứ sáu liên tiếp.

Biểu tình tại Madrid phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ

Eurostat, Văn phòng thống kê Liên minh châu Âu (EU), ngày 15/5 cho hay kinh tế Eurozone trong quý I đã giảm 0,2% so với quý trước đó, tồi hơn mức dự báo giảm 0,1% theo điều tra của hãng tin Reuters. So với cùng kỳ năm 2012, kinh tế khu vực có khoảng 340 triệu dân này giảm tới 1%.

Số liệu trên cho thấy kinh tế Eurozone đang trải qua giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ khu vực đồng tiền chung này được thành lập năm 1999, tức là dài hơn cả giai đoạn suy thoái kéo dài 5 quý liên tiếp mà khu vực này đã trải qua vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, chỉ có điều không sâu bằng.

Nhà kinh tế Carsten Brzeski thuộc ING ở Brussels nhận định tình hình xấu đi vẫn tiếp diễn. Hầu hết các nước ở khu vực lõi của Eurozone, ngoại trừ Đức, đều rơi vào suy thoái và cho đến nay vẫn chưa xuất hiện yếu tố nào có thể chặn đứng đà đi xuống của khu vực này.

Trong quý I, Đức tăng trưởng 0,1%, giúp nền kinh tế chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế của Eurozone này tránh được suy thoái, điều mà Pháp đã không thể làm được.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp này cũng cho thấy tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ và khủng hoảng ngành ngân hàng, vốn đã đẩy số người thất nghiệp trong khu vực lên mức cao kỷ lục 19 triệu người.

Pháp lâm vào suy thoái lần đầu tiên trong bốn năm qua sau khi giảm trong hai quý liên tiếp. Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone đã giảm 0,2% trong quý I.

Trong khi đó, Italy - nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone - thông báo giảm 0,5% trong quý I, quý tăng trưởng âm thứ bảy liên tiếp và là giai đoạn dài nhất kể từ khi công tác thống kê hàng quý được bắt đầu tiến hành hồi năm 1970.

Cũng giống như Pháp, kinh tế các nước Phần Lan, Síp, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều giảm trong quý I. Số liệu công bố hồi tháng trước cho thấy kinh tế Tây Ban Nha giảm trong quý thứ bảy liên tiếp.

Theo dự báo chính thức mới nhất của Ủy ban châu Âu, GDP của Eurozone ước giảm 0,4% trong năm 2013. Tuy nhiên, nhà kinh tế Ben May thuộc Capital Economics có trụ sở tại London cho rằng mức giảm này có thể tiến gần tới ngưỡng 2%.

Đồng quan điểm trên, nhà phân tích Howard Archer thuộc IHS Global Insight cho rằng kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,7% trong năm 2013 và khu vực này chỉ có thể bắt đầu hồi phục trong những tháng cuối năm.

Lãi suất ở mức thấp kỷ lục cùng với cam kết của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn đã xoa dịu những đồn đoán về nguy cơ Eurozone tan rã, qua đó đẩy thị trường chứng khoán đi lên và kéo lãi suất trái phiếu trên thị trường đi xuống.

Tuy nhiên, các công ty và hộ gia đình vẫn phải đối diện với thực tế rằng tín dụng vẫn khan và đầu tư bị đóng băng.

Trong bối cảnh này, dường như nhu cầu của Trung Quốc và Mỹ vẫn là niềm hy vọng lớn nhất mang lại động lực tăng trưởng cho khu vực này.

Như Mai

vietnam+

Các tin tức khác

>   George Soros đã rút khỏi ETF vàng trước khi giá rớt thảm (16/05/2013)

>   Kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh nhờ “Abenomics” (16/05/2013)

>   Indonesia tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp 5,75% (16/05/2013)

>   Nhật Bản chính thức kích hoạt ngân sách khổng lồ (16/05/2013)

>   Liệu đồng euro mệnh giá 1 xu và 2 xu có bị hủy bỏ? (16/05/2013)

>   GDP trong quý 1 của Italy tiếp tục sụt giảm 0,5% (16/05/2013)

>   Anh có thêm 15.000 người thất nghiệp trong quý 1 (16/05/2013)

>   Đức đạt tốc độ tăng trưởng rất thấp trong quý I (15/05/2013)

>   Bức tranh kinh tế toàn cầu với các gam màu sáng tối (15/05/2013)

>   Fitch nâng bậc xếp hạng tín dụng dài hạn của Hy Lạp (15/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật