Đau đầu với tín dụng tăng thấp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ 1,4% so với cuối 2012. Đây là mức thấp so với cùng kỳ trong khi chỉ tiêu cả năm 2013 là 12%. Trong 9 tháng còn lại, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành còn cả “núi” công việc để thông dòng tín dụng.
Sáng 7/5/2013, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) và các chuyên gia đầu ngành tài chính ngân hàng có mặt tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế - Những vấn đề đặt ra trong quý 1/2013 và một số khuyến nghị chính sách”, nhằm đưa ra những giải pháp mở rộng tín dụng.
Tính đến hết tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ 1,4% so với cuối 2012
|
Bốn yếu tố cản trở tăng tín dụng
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, yếu tố đầu tiên hạn chế tăng trưởng tín dụng chính là tổng cầu nền kinh tế vẫn thấp. Lạm phát quý 1/2013 tăng 2,39% so với cuối 2012 và tăng 6,91% so với cùng kỳ (thấp nhất trong 4 năm qua) đã phản ánh tổng cầu và sức mua thấp.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,7% và nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ số trên chỉ còn 4,5%; khối lượng hàng hóa vận chuyển chỉ tăng 5,9%, thấp xa so với 10% của năm trước; đầu tư từ nguồn ngân sách giảm 4,9% so cùng kỳ; số doanh nghiệp mới thành lập giảm 6,8% so cùng kỳ...
Như một vòng luẩn quẩn, khi tổng cầu thấp, sản xuất bị thu hẹp, thất nghiệp tăng, chi tiêu bị thắt chặt, niềm tin thị trường suy giảm và kết cục là tồn kho tăng. Tại thời điểm 1/1/2013, tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ 2012.
Đến nay, tồn kho đã giảm nhưng không phải vì năng lực tiêu thụ hàng hóa tăng mà chủ yếu là doanh nghiệp tập trung tiêu thụ hàng tồn, ít tập trung sản xuất.
“Khi doanh nghiệp hạn chế vay để sản xuất thì dù ngân hàng có mở rộng “hầu bao” đến đâu cũng khó”, ông Trung nói.
Thứ hai, cùng với tổng cầu thấp thì một số chính sách can thiệp của Chính phủ để kích cầu phải cần đến độ trễ nhất định mới phát huy hiệu quả; bên cạnh đó, có một số chính sách hiệu quả thấp.
Ví dụ, Chính phủ chủ trương hoãn, giãn, giảm nộp thuế từ 2012 đến nay nhưng thực ra, chỉ là tạm thời chuyển dịch nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp, giảm áp lực tạm thời.
Thế nên, ở kỳ sau, áp lực trên sẽ dồn nặng vào một thời điểm thì doanh nghiệp còn khó hơn nữa. Đó là chưa nói tới việc, khi ngân hàng vừa có tín hiệu giảm lãi suất thì xăng dầu chớp cơ hội tăng giá ngay.
Thứ ba, khi tín dụng bế, lợi suất trái phiếu Chính phủ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với các tổ chức tín dụng trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tính theo giá thị trường vào thời điểm cuối 2012, lợi nhuận của các danh mục trái phiếu mang lại cho các ngân hàng thương mại là đáng kể.
Hết quý 1/2013, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc nhà nước huy động thành công 13.460 tỷ đồng trái phiếu và cùng đó là 7.290 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ. Còn với kênh đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng lượng huy động lên tới 62.852 tỷ đồng, tăng 11 lần so với cùng kỳ.
Điều đó cho thấy nhu cầu trái phiếu Chính phủ luôn cao, khối lượng dự thầu luôn cao hơn khối lượng gọi thầu từ 1,12 – 5,11 lần; tỷ lệ trúng thầu từng phiên lên tới 90% - 100% và đặc biệt là qua từng phiên, lãi suất đấu thầu cứ giảm dần.
Thứ tư, sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, các ngân hàng thương mại đã thấm thía quả đắng rủi ro tín dụng nhưng nay, họ thận trọng, rà soát kỹ từng món vay và điều này cũng hạn chế đến tăng trưởng tín dụng.
Mở rộng tín dụng bằng cách nào?
Để tìm giải pháp mở rộng tín dụng, TS.Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói: “Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang vật lộn tìm đầu ra và hạn chế vay vốn ngân hàng. Với thực tế này, việc mở rộng tín dụng là vô cùng khó khăn”.
Theo ông, để giải bài toán này, trước hết phải làm cho tổng cầu nhích lên, bởi lẽ, khi cầu nền kinh tế chưa có lối thoát, tồn kho xi măng, sắt thép tới 30% - 40% thì chẳng doanh nghiệp nào vay, mặc dù lãi suất có thể giảm thêm 1% - 2%/năm.
Cùng đó, cần tiếp tục quyết liệt hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệpvừa và nhỏ, “tam nông”, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu.
Chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mới đây, một số ý kiến cho rằng, để cứu thị trường bất động sản thì hãy để chúng rơi tự do, đến một điểm nào đó, mặt bằng giá mới được xác lập thì cung cầu sẽ gặp nhau. “Đây chỉ đúng về lý thuyết thôi, trên thực tế thì chưa một Chính phủ nào cả gan để thị trường bất động sản rơi tự do, kể cả Mỹ”.
Theo ông, thị trường bất động sản Mỹ phát triển qua nhiều thăng trầm và đạt đỉnh vào 2006, đến 2007 có dấu hiệu gặp khó khăn và 2008 lao dốc sụp đổ. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã không bỏ mặc và bằng những gói kích thích kinh tế đầy ấn tượng, đã đẩy thị trường bất động sản từng bước vượt qua khủng hoảng.
TS.Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn tín dụng tăng thì hãy đi từ nguyên nhân gốc của vấn đề, đó là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thực. Vì thế, trước hết, cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp về công nghệ, quản trị, nhân lực và động lực kinh doanh.
Hai, các chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô, hoạt động quản lý nhà nước cần phải hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu những tác động tiêu cực của thị trường.
Ba, cần coi giai đoạn khó khăn là cơ hội để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Bốn, đối với vấn đề vốn, trong dài hạn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp xây dựng hệ thống tài chính phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, phải xây dựng thị trường chứng khoán, thị trường vốn dài hạn song hành với thị trường vốn ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng.
Nguyễn Hoài
vneconomy
|