Thứ Ba, 14/05/2013 13:21

Cộng hòa Síp được giải ngân khoản cứu trợ đầu tiên

Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực được thành lập nhằm cứu các nước gặp khó khăn kinh tế thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone), ngày 13/5 đã quyết định giải ngân 2 tỷ euro (2,6 tỷ USD) đầu tiên cho Cộng hòa Síp, quốc gia thành viên thứ năm trong Eurozone phải cầu viện đến cứu trợ quốc tế để cứu hệ thống ngân hàng thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Đây là một phần trong đợt giải ngân trị giá 3 tỷ euro được ESM thông qua ngày 8/5 vừa qua. Dự kiến 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD) tiếp theo sẽ được giải ngân trước ngày 30/6 tới.

Theo kế hoạch, số tiền trên sẽ được dùng bổ sung cho ngân sách, thanh toán những khoản nợ trung và dài hạn, đồng thời tái cơ cấu hệ thống tài chính đang trong tình trạng hết sức bi đát tại quốc đảo này.

Trước đó, tại hội nghị các bộ trưởng tài chính Eurozone diễn ra ngày 25/3, nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí dành cho Síp gói cứu trợ ngân hàng trị giá 10 tỷ euro trong vòng 3 năm, trong đó ESM dự kiến sẽ cấp 9 tỷ euro và IMF cấp 1 tỷ euro.

Để nhận được khoản cứu trợ trên, ngoài việc đồng ý tái cơ cấu các ngân hàng lớn, Nicosia phải tự huy động 13 tỷ euro thông qua kế hoạch cắt giảm ngân sách, tư hữu hóa, giảm chi tiêu công, tăng thuế, bán vàng dự trữ.

Mặc dù vậy, Ủy ban châu Âu (EC) đầu tháng Năm công bố báo cáo cho biết kinh tế Cộng hòa Síp phải đối mặt với tình trạng suy thoái trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát và nợ công sẽ tăng cao do phải áp dụng những biện pháp "thắt lưng buộc bụng."

EC dự báo trong năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Síp sẽ giảm 8,7% và năm sau giảm tiếp 3,9%. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 6,5% năm nay và 8,4% trong năm tới.

Tình hình nợ công của Cộng hòa Síp cũng không được cải thiện, khi nợ công năm nay của quốc đảo bên bờ biển Địa Trung Hải này dự báo lên đến 109,5% GDP, cao hơn nhiều so với mức 85,5% GDP của năm 2012, và sẽ tăng lên 124%GDP trong năm tới.

Liên quan đến gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, ngày 13/5, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem thông báo Eurozone đã thông qua hai khoản giải ngân trị giá 7,5 tỷ euro (9,7 tỷ USD) cho Athens, theo đó đợt thứ nhất (4,2 tỷ euro) được thực hiện trong vài ngày tới, và đợt thứ hai (3,3 tỷ euro) dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng Sáu, tùy thuộc vào những tiến bộ của Hy Lạp trong thực hiện chương trình cải cách kinh tế.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các bộ trưởng tài chính Eurozone nhận thấy rằng hoạt động tài chính của Hy Lạp đang đi đúng quỹ đạo và Athens đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực thi chương trình "thắt lưng buộc bụng."

Athens cam kết sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ tất cả các biện pháp tài chính như đã cam kết cho giai đoạn 2013-2014.

Trước đó, ngày 10/4, Chính phủ Hy Lạp thông báo nước này đã vượt chỉ tiêu về ngân sách đề ra cho quý đầu năm 2013. Đây được xem là tín hiệu lạc quan nhất đối với nền kinh tế "ốm yếu" sau gần 6 năm rơi vào suy thoái triền miên.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cho rằng dù tình hình vẫn còn nghiêm trọng, song các chỉ số kinh tế cơ bản đang từng bước được cải thiện và đây được xem là những dấu hiệu phục hồi đầu tiên của nền kinh tế nước này. Ông nhấn mạnh Hy Lạp đặt mục tiêu năm 2013 sẽ là năm cuối cùng của suy thoái./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Sumitomo Mitsui mua cổ phần ngân hàng Indonesia (14/05/2013)

>   Thủ tướng Ấn Độ đề nghị lập cơ chế bảo hiểm rủi ro (13/05/2013)

>   Bồ Đào Nha đạt thỏa thuận "thắt lưng buộc bụng" mới (13/05/2013)

>   Các doanh nghiệp của Anh lạc quan hơn về kinh tế (13/05/2013)

>   Fed sẽ rút chương trình mua tài sản (13/05/2013)

>   Hy Lạp: “Được” và “mất” sau 3 năm nhận giải cứu (13/05/2013)

>   Síp và Hy Lạp sắp có gần 14 tỷ USD (13/05/2013)

>   EU tiếp tục đầu tư 3,8 tỷ euro vốn FDI vào Malaysia (12/05/2013)

>   Kim Jong Un thực thi “kế hoạch quản lý kinh tế mới” (12/05/2013)

>   Mỹ mất hàng tỷ đôla vì trộm ATM (12/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật