Góp ý Đại hội liên đoàn bóng đá VN (VFF) nhiệm kỳ 7:
Bộ muốn “cài cắm” người vào VFF: Rối đội hình
Một đội bóng không thể chiến thắng nếu các cầu thủ chơi sai vị trí, lấn sân nhau. Tương tự, một liên đoàn khó thể hoạt động hiệu quả nếu các vị trí chủ chốt vừa đá bóng vừa thổi còi...
Ứng cử viên Lê Hùng Dũng (trái) và chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sau cuộc họp ban chấp hành hôm 15-5 tại Hà Nội
|
Một vài người ủng hộ phương án Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch “cài cắm” người vào VFF nói riêng và các liên đoàn khác nói chung đã đưa ra hai lý do để bảo vệ quan điểm của mình.
1- Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020 - tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ thông qua chỉ có thể thành công nếu chủ tịch VFF là một vị quan chức cao cấp của Bộ VH-TT&DL, nhờ vị trí của mình trong bộ máy nhà nước (quan điểm này đã được ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF hiện tại, nêu ra ngày 15-5).
2- Nếu đề án tổ chức cá cược bóng đá được thông qua và được giao cho VFF phụ trách thực hiện, thật không tốt nếu nằm trong tay một người ngoài ngành.
Thú thật, cả hai lý do đều không thuyết phục chút nào. Thứ nhất, trường hợp Thứ trưởng Lê Khánh Hải kiêm nhiệm ghế chủ tịch VFF, thật sự không hiểu những cuộc họp triển khai, bàn bạc việc thực hiện chiến lược phát triển bóng đá VN sẽ như thế nào?
Chắc chắn lãnh đạo Tổng cục TDTT chẳng thể nào tranh luận, phản biện với vị chủ tịch VFF, vì ông là cấp trên trực tiếp của mình trong bộ máy nhà nước. Ngược lại, nếu một người ngoài ngành ngồi ghế chủ tịch VFF, chắc chắn những cuộc họp như thế sẽ hiệu quả hơn nhờ tranh luận, phản biện một cách thẳng thắn.
Với lý do thứ hai, chẳng có gì đảm bảo người của ngành sẽ điều hành, thực hiện đề án cá cược bóng đá công tâm hơn, an toàn hơn so với người ngoài. Chúng ta chẳng phải đã thấy nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản lớn bởi người nhà nước, người trong ngành đó sao. Việc thực hiện một đề án nhạy cảm như cá cược bóng đá sẽ được quy định bởi luật pháp chứ không bởi cá nhân ở ngành nào.
Trở lại với câu chuyện bầu chọn chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới, chúng tôi nhớ đến đội hình Tầm nhìn châu Á của LĐBĐ châu Á (AFC). Theo AFC, sự phát triển của bóng đá chẳng khác gì sơ đồ chiến thuật một đội bóng. Và một đội bóng muốn thành công thì các vị trí trên sân phải hoàn thành tốt vai trò của mình, không thể có chuyện cánh trái chạy qua giẫm chân cánh phải, thủ môn chạy lên chơi tiền đạo... Trên sân bóng, chúng ta cũng thấy khi một tiền vệ trái đảo qua cánh phải thì lập tức cầu thủ bên cánh phải chuyển sang ngay cánh trái. Nếu có sự giẫm chân nhau, ắt đội hình sẽ rối và đội bóng chuốc lấy thất bại.
Tương tự, vai trò quản lý nhà nước trong sự phát triển của nền bóng đá không phải là nhảy vào làm thay việc của một tổ chức xã hội. Nếu xây dựng một đội hình “Tầm nhìn bóng đá VN”, chúng tôi nghĩ sẽ như thế này: Bộ VH-TT&DL như vị trưởng đoàn lo những vấn đề lớn của đội bóng, còn Tổng cục TDTT là HLV phụ trách việc vạch chiến thuật phù hợp cho từng trận đấu. Rồi 11 thành viên của đội bóng theo đúng đội hình của AFC: Thủ môn là liên đoàn. Năm hậu vệ: đào tạo cầu thủ - đào tạo HLV - đào tạo trọng tài - đào tạo y bác sĩ - tiếp thị thể thao. Ba tiền vệ: bóng đá nam - nữ - trong nhà. Và cặp tiền đạo: cổ động viên - truyền thông. Quy thành mô hình như thế này, chúng ta sẽ thấy khi ông trưởng đoàn hay HLV nhảy vào đóng vai thủ môn thì đội bóng này sẽ tai hại như thế nào!
Người nào việc đó, ai đóng vai gì xin cứ làm hết trách nhiệm của mình, đó mới là chuyên nghiệp, và có làm đúng như vậy mới hi vọng bóng đá phát triển. Hoặc nếu vị trưởng đoàn cảm thấy tự tin mình sẽ giữ gôn hay hơn, thì xin mời rời khỏi vai trò trưởng đoàn để thi thố tài năng với người giữ gôn...
Huy Thọ
Chủ tịch LĐBĐ các nước là ai?
Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về một số vị chủ tịch liên đoàn bóng đá các quốc gia láng giềng của Việt Nam cùng một số nước có trình độ bóng đá vượt trội, và không thấy ai đang là quan chức trong bộ máy chính phủ phụ trách về thể thao...
* Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) hiện tại là Makudi Worari: ông là một doanh nhân thành đạt và là thành viên hội đồng quản trị của Đảng Pheu Thai của đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Là tỉ phú nên ông Makudi có ảnh hưởng rất lớn tới các chính sách phát triển của bóng đá Thái Lan cũng như mức độ đầu tư cho đội tuyển quốc gia. Việc chiêu mộ các HLV nổi tiếng của Anh trước kia như Peter Reid, Bryan Robson hay Winfied Schaefer (Đức) mới đây đều xuất phát từ mối quan hệ thân thiết của ông Makudi với LĐBĐ Anh hay “hoàng đế” Franz Beckenbauer (Đức). Ông Makudi từng làm tổng thư ký FAT 11 năm trước khi trở thành chủ tịch FAT vào năm 2007.
* Chủ tịch LĐBĐ Singapore (FAS) là chính trị gia Zainudin Nordin: ông là một thành viên của Đảng Hành động nhân dân, đồng thời là thành viên trong Quốc hội Singapore. Ông còn là người đứng đầu Hội đồng phát triển cộng đồng của Singapore, từng trải qua cương vị phó chủ tịch FAS trước khi được bầu làm chủ tịch vào tháng 4-2009. Tuy nhiên, ông Zainudin chưa bao giờ tham gia Bộ Thanh niên và thể thao Singapore.
* Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Chung Mong Gyu là cựu ủy viên ban điều hành giải đấu K-League, được bầu làm chủ tịch LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) vào đầu năm nay. Ông nhận được 15/24 phiếu bầu để đánh bại phó chủ tịch đương nhiệm KFA Heo Seung Pyo ở vòng 2 sau khi bất phân thắng bại tại vòng 1 trong cuộc đấu gồm bốn ứng viên.
* Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản Daini Kuniya - cựu hậu vệ từng 44 lần khoác áo đội tuyển quốc gia trong giai đoạn 1972-1976.
* Chủ tịch LĐBĐ Anh David Bernstein từng là thành viên ban lãnh đạo CLB Manchester City trong chín năm, trong đó có năm năm làm chủ tịch đội bóng này.
* Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB) Wolfgang Niersbach xuất thân là một nhà báo chuyên bình luận bóng đá. Năm 1988, ông gia nhập DFB và sau đó được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông của VCK Euro 1988 diễn ra tại Đức. Trong giai đoạn 2007-2012, ông Wolfgang giữ chức tổng thư ký DFB trước khi trở thành chủ tịch DFB vào tháng 3-2012.
Nguyên Khôi tổng hợp
|
tuổi trẻ
|