Ứng tiền cho đối tác: Thả gà ra đuổi
Một CTCP đã đi vay ngân hàng để ứng trước cho đối tác 4,5 tỷ đồng từ năm 2006. Sau nhiều năm tranh chấp, khởi kiện, khoản nợ đã phình lên gấp đôi mà vẫn chưa đòi được.
Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng đại lý. Theo đó, năm 2006, CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Cường và Công ty TNHH Bình Minh đã ký hợp đồng đại lý đá xây dựng, Công ty Đông Cường làm đại lý bán các loại đá xây dựng do Công ty Bình Minh sản xuất. Hợp đồng có thời hạn 3 năm với giá trị 14,2 tỷ đồng cho năm đầu tiên.
Khi thực hiện hợp đồng, do Công ty Bình Minh thiếu vốn để sản xuất nên hai bên đã thương lượng để Công ty Đông Cường đứng tên vay 4,5 tỷ đồng của Ngân hàng Công thương Chi nhánh Ba Đình. Theo đó, Giám đốc của Công ty Bình Minh là ông Nguyễn Quang Yên dùng tài sản riêng là 2 mảnh đất ở Lương Sơn, Hòa Bình để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Đông Cường. Sau khi ngân hàng giải ngân, Công ty Đông Cường chuyển số tiền nói trên cho Công ty Bình Minh. Nhưng kể từ khi ký kết hợp đồng đến nay, Công ty Đông Cường không nhận được khối lượng đá nào từ Công ty Bình Minh, nên đã khởi kiện đòi số tiền 4,5 tỷ đồng và lãi quá hạn phải trả.
Theo ông Ngô Tuấn Cường, Giám đốc Công ty Đông Cường, do không thấy Công ty Bình Minh giao hàng nên ông đã lên mỏ đá ở Lương Sơn (Hòa Bình) kiểm tra thì thấy không có hoạt động gì. Những người trên mỏ đá cho biết là ông Yên đã bán mỏ đá, trụ sở tại Mỹ Đình là trụ sở đi thuê. Trong khi đó, khoản vay 4,5 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán và Đông Cường đã phải thanh toán cả gốc và lãi với ngân hàng. Do đó, Đông Cường đề nghị Tòa án buộc Công ty Bình Minh phải trả tổng cộng 8,66 tỷ đồng cho Công ty.
Bị đơn, phía Công ty Bình Minh thừa nhận có ký kết Hợp đồng số 50, nhằm có đầu ra để được ngân hàng cho vay 50 tỷ đồng. Sau đó, hai bên ký thêm Hợp đồng số 56 cùng hợp tác khai thác đá, do Công ty Đông Cường không có 50 tỷ đồng để góp vốn như cam kết nên đã đưa ra phương án tạm thời là góp máy móc thiết bị và thành lập Xí nghiệp khai thác đá. Phụ trách xí nghiệp này là Giám đốc của Công ty Đông Cường. Khoản vay 4,5 tỷ đồng được rót về tài khoản của xí nghiệp này do ông Ngô Tuấn Cường quyết định chi, phía Bình Minh không biết và không quyết toán được do không còn tài liệu.
Đáng chú ý, nguyên đơn khởi kiện song không có bản chính hoặc bản sao có công chứng của Hợp đồng số 50, trong khi Bộ luật tố tụng dân sự yêu cầu nguyên đơn khởi kiện phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có công chứng tài liệu. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, trên thực tế hợp đồng đã được đại diện theo pháp luật của hai bên ký kết thể hiện ở việc Tòa án các cấp đã xét xử trong quan hệ tín dụng giữa Đông Cường và Ngân hàng Công thương Việt Nam có liên quan đến Hợp đồng đại lý số 50 và ở lệnh chi tiền thể hiện việc thực hiện hợp đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, không cần thiết trả lại đơn khởi kiện và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Đông Cường, buộc Công ty Bình Minh phải trả cho Công ty Đông Cường 8,66 tỷ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX và đại diện Viện KSND TP. Hà Nội lại cho rằng, Hợp đồng đại lý số 50 là chứng cứ quan trọng của vụ án. Theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn phải xuất trình được bản chính hoặc bản sao có công chứng. Do đó, HĐXX cho rằng chưa đủ điều kiện khởi kiện, tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án, Công ty Đông Cường có quyền tiếp tục khởi kiện khi có đầy đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|