Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
Trong khi các nền kinh tế lớn ở châu Âu bao gồm cả Đức, Pháp và Italy đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung euro, kinh tế Thụy Sĩ trong năm qua vẫn phát triển với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2012 đạt khoảng 422 tỷ USD.
So với năm 2011, xuất siêu của Thụy Sĩ đã tăng 14,32% lên tới 28,73 tỷ USD, chủ yếu từ thương mại hai chiều với các nền kinh tế mới nổi, các nước châu Á và Mỹ. Đây là cơ sở rất tốt cho quan hệ thương mại Việt Nam và Thụy Sĩ trong thời gian tới trên nền tảng quan hệ song phương tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Phóng viên tại Geneva đã có buổi trao đổi với ông Lương Mạnh Hùng, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ.
PV: Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Thụy Sĩ, thương mại song phương giữa Việt Nam và Thụy Sĩ tiến triển tốt, ông có thể cho biết tình hình ngoại thương của Thụy Sĩ cũng như tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy Sĩ trong mấy tháng đầu năm 2013?
Ông Lương Mạnh Hùng: Trong hai tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thụy Sĩ đạt 70,91 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt 38,138 tỷ USD, tăng 1,52%; nhập khẩu đạt 32,77 tỷ USD, tăng 9,25%; xuất siêu đạt 5,368 tỷ USD, tăng 8,74%. Thụy Sĩ nhập siêu chủ yếu từ các nước Đức, Pháp, Italy, trong khi xuất siêu thu được từ Mỹ, các nền kinh tế mới nổi và một số nước châu Á.
Tình hình thương mại hai chiều Việt Nam-Thụy Sĩ trong hai tháng đầu năm nay tiếp tục đi lên với kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy móc và thiết bị điện tăng nhanh. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ.
Nếu như trong năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ đạt 3,5 tỷ USD, nhưng trong đó lượng vàng xuất khẩu chiếm tới 95%. Sang đến năm 2011, tổng xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đạt 1,5 tỷ USD, lượng vàng xuất khẩu chỉ chiếm 10%.
Trong năm 2012, xuất khẩu vàng giảm mạnh, chỉ chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ. Trong khi đó, các mặt hàng dệt may, hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chế tạo, thiết bị máy móc gia tăng.
Nếu không tính giá trị vàng xuất khẩu (51,06 triệu USD) thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy Sĩ cả năm 2012 đạt 924,345 triệu USD, tăng 25,21% so với năm 2011. Trong đó, xuất khẩu đạt 580,219 triệu USD, tăng 51,2%; nhập khẩu đạt 369,17 triệu USD, tăng 25,66%; xuất siêu 286,26 triệu USD, tăng 99,26%.
Nếu không tính giá trị vàng xuất khẩu (384.855 USD) thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy Sĩ trong hai tháng đầu năm 2013 đạt 166,18 triệu USD, tăng 10,37% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt 121,72 triệu USD, tăng 14,05%; nhập khẩu đạt 44,46 triệu USD, tăng 45,62%; xuất siêu 77,63 triệu USD.
PV: Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển nhanh chóng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, ông có thể cho biết về chuyến thăm tới đây của Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann sang Việt Nam?
Ông Lương Mạnh Hùng: Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu các doanh nghiệp tiêu biểu của Thụy Sĩ trong các lĩnh vực như tài chính, du lịch, công nghiệp chế tạo tới thăm Việt Nam vào nửa cuối tháng 10/2013.
Dự kiến có khoảng vài chục doanh nghiệp, hầu hết là các tập đoàn lớn đã và đang hoặc là sẽ đầu tư vào Việt Nam, sẽ cùng làm việc với các bộ ngành để tìm hiểu các cơ hội phát triển kinh tế giữa hai nước.
Chương trình làm việc hiện đang được Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ cũng như Bộ Công thương chuẩn bị nhằm đưa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm này được hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trong khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Ireland và Liechstentein.
Hiện giờ đã tiến hành được ba cuộc đàm phán tại Việt Nam, Thụy Sĩ và Na Uy. Dự kiến, khoảng tháng Sáu tới sẽ có cuộc đàm phán tại Việt Nam với hy vọng sớm có thể kết thúc đàm phán và đi đến ký kết chính thức vào năm 2014.
PV: Xin ông cho biết vai trò của Thương vụ cũng như các doanh nghiệp Việt kiều tại Thụy Sĩ trong việc kết nối cơ hội giao thương giữa Việt Nam và Thụy Sĩ?
Ông Lương Mạnh Hùng: Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của nước sở tại, Thương vụ trở thành cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường, tìm hiểu các thông tin về bạn hàng Thụy Sĩ. Mặt khác cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ sang thăm Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và các đối tác hợp tác làm ăn.
Theo kế hoạch Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã và đang kết hợp với Phòng thương mại châu Á-Thụy Sĩ để tổ chức các đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ, khoảng 15-20 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sang Việt Nam trong nửa đầu tháng 6/2013.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang tiến hành làm các thủ tục đăng ký và sau khi có danh sách chính thức sẽ tiến hành làm việc với tất cả các bộ ngành cũng như các địa phương để các doanh nghiệp Thụy Sĩ có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Trên đà phát triển thương mại hai chiều rất tốt đẹp và tăng mạnh trong mấy năm gần đây, bên cạnh sự hỗ trợ quan tâm của Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước thì cũng phải đánh giá cao sự năng động và nỗ lực của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Việt kiều tại Thụy Sĩ.
Các doanh nghiệp Việt kiều đã làm cầu nối rất tốt trong việc quảng bá hàng Việt Nam và cung cấp hàng từ Việt Nam sang Thụy Sĩ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên cũng có một số hạn chế nhất định vì thị trường Thụy Sĩ nhỏ với 8 triệu dân, trong khi yêu cầu về chất lượng rất cao không những so với châu Âu mà thậm chí so với cả thế giới. Có thể nói đây là một thị trường khó tính vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nắm rõ các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại thị trường Thụy Sĩ./.
Tố Uyên/Geneva
Vietnam+
|