TS. Võ Trí Thành: VAMC sẽ ra đời vào tháng 5
Trước sự quan tâm của dư luận về Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC), TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sớm nhất cũng phải tới tháng 5/2013, VAMC mới ra đời.
Thưa ông, tình hình nợ xấu và thanh khoản ngân hàng hiện nay đã được cải thiện chưa?
TS. Võ Trí Thành
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
|
Hiện hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng, dù thanh khoản đã được cải thiện.
Biểu hiện là một số ngân hàng yếu kém chưa được xử lý hoàn toàn. Nợ xấu, về bản chất hầu như vẫn còn nguyên.
Vì thế, tới đây, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chuẩn mực mới để đánh giá tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ nợ xấu danh nghĩa dù đã giảm xuống còn 6%, nhưng có thể lại tăng gấp đôi.
Dư luận đang kỳ vọng rất lớn về sự ra đời của VAMC. Tuy nhiên, công ty này ra đời trễ so với dự kiến. Đâu là những quan ngại chính, thưa ông?
Sớm nhất thì phải tháng 5 tới, VAMC mới ra đời. Dù mô hình này đã được nhiều quốc gia triển khai, song điểm sáng tạo của Việt Nam là VAMC không mất tiền, nhưng vẫn xử lý được nợ xấu.
Bản chất của VAMC là rủi ro và trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng thương mại. Nhà nước chỉ hỗ trợ kéo giãn thời gian xử lý nợ xấu và hỗ trợ một phần thanh khoản dựa trên lãi suất tái cấp vốn như trên thị trường. Giải pháp này khiến nợ xấu chưa được xử lý triệt để (bản chất của xử lý nợ xấu là phải mua và bán thật). Vì vậy, tôi cho rằng, nếu được thành lập và triển khai, VAMC cũng không phải là thuốc tiên để xử lý nợ xấu.
Vậy giải pháp nào mới xử lý hiệu quả nợ xấu?
VAMC chủ yếu xử lý những khoản nợ xấu có tài sản thế chấp. Do đó, thành lập VAMC là cần thiết, nhưng chỉ mình VAMC không giải quyết được nợ xấu. Rất nhiều khoản nợ xấu hiện nay của doanh nghiệp nhà nước không có tài sản đảm bảo (tương tự các khoản nợ của Vinashin, Vinalines).
Các khoản nợ này VAMC không thể xử lý được, mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, để xử lý nợ xấu thành công, cần có nhiều yếu tố khác, như làm ấm lên nền kinh tế, kiểm soát cung tiền, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, khi VAMC thành lập, cũng phải đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ để giải quyết bản chất nợ xấu.
Nếu VAMC chỉ thành lập với mục đích giãn nợ trong 5 năm, sau đó trả lại khoản nợ lại cho ngân hàng, thì nợ xấu vẫn không thể giải quyết được và không có gì bảo đảm doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng với cách thức giãn nợ tạm thời này.
Hà Tâm
đầu tư
|