Trung tâm điều khiển giao thông TP.HCM: Đầu tư 27 triệu USD nhưng tê liệt
Bỏ ra hàng chục triệu USD để thực hiện hai dự án hiện đại hóa hệ thống chốt đèn giao thông, nhưng phần lớn các chốt đèn này đã tê liệt và cũng chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Thực tế cho thấy hầu hết đèn tín hiệu giao thông (THGT) ở các giao lộ trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3 chỉ cho đèn xanh từ 20-28 giây (riêng giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần đèn THGT cho đèn xanh đến 35 giây). Ngược lại, đèn THGT đỏ tại các giao lộ này từ 27-35 giây.
Chốt đèn Điện Biên Phủ - Pasteur thuộc dự án tăng cường năng lực giao thông đô thị TP.HCM mất kết nối với trung tâm điều khiển giao thông nên không thể điều phối giao thông hợp lý
|
Lẽ ra người dân đỡ mất thời gian
Do đèn THGT nhiều và chu kỳ thời gian đèn xanh quá ngắn nên có ít xe lưu thông trên đoạn đường này được chạy liên tục qua hai giao lộ. Vào giờ cao điểm, số lượng xe đi nhiều nên sắp xếp chu kỳ đèn ở đây là hợp lý, nhưng vào giờ thấp điểm xe phải dừng chờ đèn đỏ như lúc có nhiều xe thì chưa hợp lý, khiến người đi đường mất nhiều thời gian chờ đợi.
Thay thế bằng công nghệ trong nước?
Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng và chuyên gia ngành giao thông cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện dự án xây dựng Trung tâm điều khiển giao thông TP hiện đại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Theo đó, chọn lựa và thay thế các tủ đèn THGT hiện hữu thuộc 48 chốt đèn của dự án 1 và 118 chốt đèn thuộc dự án 2 bằng công nghệ trong nước.
|
Tương tự, do chốt đèn THGT ở giao lộ Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng (Q.1) bị mất chức năng kết nối với Trung tâm điều khiển giao thông TP nên giờ cao điểm hoặc thấp điểm lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh niên xung phong phải có mặt để điều tiết lưu thông. Do mật độ xe tăng cao nên dòng ôtô bị ùn ứ từ giao lộ này nối dài qua các giao lộ Phạm Ngọc Thạch, Pasteur...
Theo các chuyên gia về giao thông, nếu các thiết bị không hư hỏng và nhân viên ở Trung tâm điều khiển giao thông TP điều chỉnh chu kỳ đèn THGT hợp lý thì người dân sẽ đỡ mất thời gian hơn khi đi trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Trung tâm điều khiển giao thông TP không còn kết nối với 166 chốt đèn THGT, nên thay vì điều chỉnh chu kỳ đèn từ trung tâm này, lực lượng CSGT phải ra các chốt đèn THGT để điều tiết giao thông trực tiếp...
Hiện TP có 641 chốt đèn THGT. Trong đó, Trung tâm điều khiển giao thông TP bắt đầu hoạt động từ năm 2002 đến nay đang quản lý 191 chốt đèn được lắp đặt thiết bị công nghệ hiện đại có thể điều khiển từ xa. Qua các thiết bị công nghệ, người điều khiển từ trung tâm có thể biết được mật độ xe lưu thông ở từng giao lộ để điều chỉnh chu kỳ đèn THGT hợp lý. Thế nhưng, đến nay có tới 166 chốt đèn THGT đã mất kết nối với trung tâm, phải hoạt động độc lập (phải có người đứng tại chốt đèn điều chỉnh chu kỳ đèn). Riêng 25 chốt đèn trên đại lộ Đông Tây (đường Mai Chí Thọ và đường Võ Văn Kiệt) mới đưa vào hoạt động cách đây vài năm là còn điều khiển được từ xa.
Trách nhiệm của ai?
166 chốt đèn bị tê liệt đã được đầu tư từ hai dự án vay vốn nước ngoài. Ở dự án vay vốn ODA Pháp đầu tư 4 triệu USD xây dựng hệ thống 48 chốt đèn THGT (tạm gọi là dự án 1) được lắp đặt trên các đường: Hồng Bàng, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo và trên các tuyến đường thuộc các quận: 5, 6, 11. Dự án này còn đầu tư tám camera quan sát, hai bảng quang báo điện tử và xây dựng tòa nhà trung tâm điều khiển giao thông đặt tại trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt TP. Nhưng từ khi đưa trung tâm này vào hoạt động đến nay thì toàn bộ 48 chốt đèn THGT đã không còn kết nối về trung tâm. Như vậy, mục tiêu của dự án là từ trung tâm điều khiển từ xa đến từng chốt đèn tại giao lộ đã không đạt được.
Dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới 23,1 triệu USD cho tiểu dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị TP.HCM (tạm gọi dự án 2) lắp đặt 118 chốt đèn THGT tại Q.1, Q.3 và tại các trục đường chính của TP kết nối về Trung tâm điều khiển đèn THGT. Dự án này đầu tư hệ thống điều khiển rất hiện đại như tại mỗi chốt đèn có gắn cảm biến vòng theo từng làn xe lưu thông để nhận tín hiệu báo về trung tâm điều khiển. Từ đó, trung tâm tính toán được thời lượng hợp lý cho chu kỳ đèn THGT nhằm giải tỏa luồng xe lưu thông...Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động năm 2005 đến nay, hầu hết chốt đèn THGT đều mất kết nối với trung tâm.
Trung tâm điều khiển đèn THGT đã “bó tay” trong việc khắc phục các hư hỏng trên vì hầu hết thiết bị tại các tủ điều khiển đã hư hỏng và không có thiết bị ngoại nhập thay thế. Hoặc có một số thiết bị mà nước ngoài đã ngừng sản xuất vì công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, phần mềm điều khiển bị hư hỏng không sửa chữa được do thuê chuyên gia nước ngoài quá tốn kém. Hệ thống cáp quang và đầu dò tại các chốt đèn THGT đều bị hư hại do việc thi công đào đường lắp đặt công trình ngầm. Ngoài ra, do sử dụng cáp đồng trong việc kết nối với các chốt đèn THGT nên đã xảy ra tình trạng sét đánh gây hư hỏng cáp đồng và vật tư ở nhiều tủ điều khiển.
Hàng chục triệu USD đầu tư một trung tâm điều khiển giao thông đã bị hư hỏng và tê liệt, nhưng chưa thấy cá nhân nào chịu trách nhiệm về chuyện này.
Ngọc Ẩn
Phòng CSGT nhiều lần đề nghị thay thế thiết bị hư hỏng
Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết phòng đã nhiều lần đề xuất với Sở Giao thông vận tải TP, Công ty Chiếu sáng công cộng TP có hướng khắc phục, sửa chữa hoặc thay thiết bị, máy móc hư hỏng tại trung tâm điều khiển giao thông nhưng đến nay vẫn chưa có thiết bị thay thế. Trung tâm điều khiển giao thông đặt tại trụ sở PC67 nhưng phòng này chỉ tham gia quan sát qua đường truyền camera ở trung tâm để giải quyết, xử lý các sự cố giao thông. Trách nhiệm trước việc trung tâm này bị tê liệt và hai dự án trên không đạt được mục tiêu thuộc Sở Giao thông vận tải TP và Công ty Chiếu sáng công cộng TP.
Hoàng Lộc
|
TUỔI TRẺ
|