Thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân: Đạt định lượng, thua mục tiêu
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho vụ lúa Đông Xuân đã chính thức khép lại từ ngày hôm qua, 1-4. Mặc dù chỉ tiêu về lượng đề ra đã cơ bản hoàn thành, nhưng mục tiêu đảm bảo 30% lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa vẫn… "mơ về nơi xa lắm”.
Được mùa nhưng nông dân
vẫn thua thiệt do bị tư thương ép giá
|
Không đủ mục tiêu lợi nhuận tối thiểu
Ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khẳng định, đã hoàn thành chỉ tiêu chỉ tiêu mua gạo tạm trữ do Chính phủ đề ra. Các tỉnh đã chế biến xuất khẩu hơn 815.555 tấn gạo các loại, trị giá 369 triệu USD. Còn Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra con số giá lúa khô (loại thường) thu mua dao động từ 5.150 – 5.250 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.350 – 5.450 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm giá từ 6.750 – 6.850 đồng/kg (tùy từng địa phương), gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.600 – 6.700 đồng/kg (tùy chất lượng và địa phương).
Đối chiếu với giá thành bình quân sản xuất mỗi kg lúa (vụ Đông Xuân) tại ĐBSCL do Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra là 3.616 đồng. Nếu bán lúa thường tại thời điểm này với giá thấp, nông dân thu lãi 29,7%, bán lúa dài thì thu lãi 32,4%.
Tuy nhiên, đó chỉ là những con số do DN và cơ quan quản lý đưa ra. Bởi trên thực tế, trong suốt thời gian từ ngày chính thức triển khai thu mua (20 tháng 2 đến ngày kết thúc thu mua 1 tháng 4), giá lúa lên xuống thất thường. Không phải 100% người nông dân nào cũng bán được với giá 6850 đồng/kg. Phần lúa đã bán được giá cao cũng không đủ bù cho phần lúa còn tồn, để lâu, giảm chất lượng.
Ở nhiều địa phương, người nông dân than thở: Thu hoạch xong, chờ mãi không thấy DN đến mua lúa. Đành phải bán cho thương lái. Trong khi đó, giá thương lái đưa ra ép quá thấp. Đã hết ngày thu mua, nhưng số lúa tồn trong dân vẫn rất lớn. Ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An chia sẻ, trong vụ Đông Xuân 2012 – 2013, tỉnh Long An xuống giống 220.000 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn lúa. Trong khi đó, tỉnh Long An chỉ được giao chỉ tiêu dự trữ là 88.000 tấn gạo (tương đương với 150.000 tấn lúa), chiếm 1/10 sản lượng của tỉnh. Điều này được hiểu đơn giản lượng lúa còn tồn đọng trong dân rất nhiều.
Như vậy, đợt thu mua tạm trữ lúa gạo không đạt hiệu quả như mong muốn còn do chỉ tiêu 1 triệu tấn gạo được phân bổ ra cho nhiều địa phương. Nên đối với những tỉnh lớn như Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang phần lúa được thu mua không tương xứng với phần lúa hàng hóa sản xuất ra. Chưa kể thời gian thu mua diễn ra chậm, ngắn so với tiến độ thu hoạch lúa của nông dân do vậy lúa thu hoạch. Các DN thu mua vẫn thông qua các thương lái. Do vậy, người nông dân muốn tiêu thị được hạt lúa mình làm ra bị gây khó dễ đủ đường.
Giá lúa xuất khẩu giảm mạnh
Người dân nói 30% lợi nhuận tối thiểu của mình chưa được đảm bảo. Trong khi đó, DN thu mua báo cáo khác.
Một chuyên gia trong ngành lúa gạo chỉ ra rằng, giá lúa tạm trữ đã được thu mua theo cách thức: DN ký được hợp đồng xuất khẩu có giá 9000đ/kg gạo. DN trừ đi các thứ lợi nhuận cho mình khoảng 2000 đ/kg. Dư ra 7000đ/kg bao gồm cả 30% lợi của dân. Do đó, giá thu mua được đưa ra là 5000đ/kg. Tức là từ giá xuất khẩu, họ trừ các chi phí phải đóng cho Nhà nước, phần lợi cho mình, rồi mới truy về 30% lợi nhuận. Nhưng trên thực tế, giá gạo xuất khẩu trong quý I sụt giảm mạnh. DN ký được hợp đồng giá cao thì mua thoáng, ký được hợp đồng giá rẻ thì bắt chẹt cho nông dân. Do vậy, phần trăm lợi nhuận người nông dân được hưởng không phải lúc nào cũng 30%. Thậm chí liên tiếp trồi sụt từ 15% đến 20% .
Hiện nay giá gạo xuất khẩu Việt Nam ở mức 405-415 USD/tấn. Cụ thể, gạo loại 5% tấm giá 410 USD/tấn. So với gạo các nước xuất khẩu Thái Lan, Ấn Độ mặt hàng gạo của Việt Nam nằm trong xu thế giảm. Điều này đã trực tiếp tác động đến giá lúa gạo thu mua tạm trữ trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Trung tâm Khoa học nông nghiệp, Bộ NN&PTNT nói: Phải làm sao để người sản xuất lúa gạo có thu nhập không thấp hơn so với người nông dân làm những ngành nghề khác trong cùng một vùng. Ví dụ người nông dân làm thủy sản có thu nhập 1 triệu 1 tháng, người trồng lúa không được 1 triệu thì cũng phải 800, 900 nghìn đồng. Nếu không người nông dân sẵn sàng phá lúa đào ruộng, làm ao nuôi cá, nuôi tôm. Muốn đảm bảo an ninh lương thực, muốn cho người nông dân vẫn trồng lúa thì phải đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Kết thúc vụ thu mua lúa tạm trữ vụ lúa Đông Xuân, sắp tới là thu mua lúa Hè Thu nữa, mà cứ làm ăn cung cách này, bảo sao người dân không ngao ngán?
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng: Khi tham gia xuất khẩu gạo thì từng DN đã phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình, và cần có trách nhiệm với nông dân, nói cách khác, là có trách nhiệm với chính sản phẩm mà mình đầu tư. Thay vì hỗ trợ lãi suất cho DN mua gạo tạm trữ, Nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn. Đã đến lúc tạm trữ là việc làm tất yếu của DN.
Nhiều chuyên gia khẳng định, không thể để DN chế biến xuất khẩu, hưởng phần lợi nhuận còn người nông dân chịu cái phận hẩm hiu. Trước khi nói nông dân trồng gì thì DN phải đi tìm thị trường. Hiện nay người nông dân đang tự trồng, tự thân vận động, thụ động, phần lời lãi lại chui vào túi người khác thì không sòng phẳng.
Hồ Hương
Đại đoàn kết
|