Thái Lan chi 3,5 tỷ USD chương trình trợ giá gạo
Nông dân Thái Lan đang bắt đầu bước vào vụ mùa thứ hai của chương trình trợ
giá gạo năm 2012-2013. Dự kiến trong vụ mùa này, Chính phủ Thái Lan sẽ chi
105 tỷ baht (3,5 tỷ USD) để thu mua khoảng 7 triệu tấn gạo, với mức giá được ấn
định là 15.000 baht/tấn gạo trắng thông thường và 20.000 baht/tấn gạo hương
nhài.
Xếp những bao gạo Thái Lan tại nhà máy ở Bangkok.
|
Chính phủ Thái Lan vào tuần trước ra thông báo sẽ vẫn tiếp tục thực hiện
chương trình trợ giá gạo, bất chấp có những tranh cãi liên quan tới việc tồn kho
và phải bán lỗ.
Theo Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nông dân Thái Lan mong muốn
chương trình này được tiếp tục duy trì, do vậy, Chính phủ phải có nghĩa vụ đáp
lại mong muốn đó của họ.
Các cuộc thăm dò được công bố gần đây cho thấy phần đông nông dân Thái Lan
đều ủng hộ chương trình trợ giá gạo của Chính phủ nước này. Đối với họ, chương
trình này đang hoạt động tốt và cần được kéo dài.
Hiện giá gạo thông thường được thu mua trên thị trường tự do vào khoảng
8.000-9.000 baht/tấn. Rõ ràng người nông dân đang được hưởng lợi từ sự chênh
lệch giá cả khi họ tham gia chương trình trợ giá gạo của Chính phủ. Trong năm
đầu tiên thực hiện chương trình có khoảng gần 3,5 triệu hộ gia đình làm nông
nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Thủ tục đăng ký tham gia rất đơn giản. Trước tiên, người nông dân cần mở tài
khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã (BAAC). Sau đó, họ sẽ đăng ký diện
tích ruộng của mình tại một điểm (thường là ở một cơ sở xay xát cũng tham gia
chương trình này) có đầy đủ các thành phần đại diện là trưởng làng, chính quyền
xã, cán bộ nông nghiệp huyện và ban canh nông để xác nhận tư cách và tiêu chuẩn
tham gia.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, người nông dân sẽ được cấp một tờ chứng nhận
để ra ngân hàng làm thủ tục lĩnh tiền để mua phân bón, giống và các vật tư thiết
bị cần thiết cho một vụ mùa mới. Nông dân là một trong 5 thành phần trong chương
trình trợ giá gạo, gồm cả chủ cơ sở xay xát, quan chức chính quyền, giới xuất
khẩu và chính trị gia.
Khi vụ mùa kết thúc, người nông dân phải mang thóc tới cơ sở xay xát của
chương trình và sẽ được cấp một giấy chứng nhận nữa về số lượng thóc để mang ra
ngân hàng làm thủ tục lĩnh tiền và khấu trừ số tiền tạm ứng từ đầu mùa. Mỗi gia
đình nông dân Thái Lan chỉ được đăng ký tham gia chương trình trợ giá tối đa là
hai mùa, mỗi mùa khoảng 3-4 tấn gạo.
Dự kiến trong năm 2012-2013, tổng số tiền phải chi cho chương trình sẽ vào
khoảng gần 280 tỷ baht, trong đó gần 175 tỷ baht đã được giải ngân thông qua
Ngân hàng BAAC.
Ủy ban chính sách gạo quốc gia Thái Lan vừa công bố một tài liệu nghiên cứu
về những lợi ích của người nông dân khi tham gia chương trình, trong đó nói rằng
nó đã giúp tăng thêm thu nhập 184 tỷ baht cho người nông dân. Chương trình cũng
đã góp phần giảm nghèo cho khoảng 15-18 triệu nông dân (khoảng 3,7 triệu hộ gia
đình), với thu nhập trung bình mỗi hộ 4 người vào khoảng 24.795 baht.
Tuy nhiên, hạn chế của chương trình này là làm cho giá xuất khẩu tăng quá
cao. Nhiều người cho rằng Chính phủ chỉ nên áp dụng mức giá thu mua
12.000-13.000 baht/tấn đối với gạo thông thường và 16.000-17.000 baht/tấn đối
với gạo hương nhài để tránh thua lỗ.
Chương trình trợ giá gạo đã khiến gạo Thái Lan có chi phí cao hơn so với các
nước khác như Việt Nam hay Ấn Độ từ 3.600-5.400 baht/tấn. Thị phần gạo xuất khẩu
của Thái Lan đã giảm mạnh từ giữa năm 2012, từ 33,5% năm 2011 xuống còn 21,79%,
trong khi thị phần của Ấn Độ tăng hơn gấp hai lần, từ 14,57% lên 32,18%.
Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo nước này chỉ có thể xuất khẩu được từ
6 đến 7 triệu tấn trong năm 2013, trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam và Ấn
Độ sẽ vẫn tiếp tục tăng lên trên thị trường thế giới.
Hà Linh
Vietnam+
|