Thứ Bảy, 13/04/2013 11:08

Thêm phương án về tên nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Bên cạnh phương án cũ là giữ nguyên tên nước như hiện tại thì còn có một phương án mới là lấy lại tên nước thời Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập.

Rất nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trí thức, tổng hợp kiến nghị từ các nhánh cơ quan quyền lực nhà nước đã được cụ thể hóa thành các phương án diễn đạt trong bản dự thảo mới tiếp thu ý kiến nhân dân về Hiến pháp (HP), kể cả trong những nội dung lâu nay bị cho là nhạy cảm.

Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Cụ thể, Lời nói đầu - phần quan trọng nhất của bất cứ HP quốc gia nào, giờ được diễn đạt theo hai phương án. Trong đó, một phương án ngắn gọn, súc tích, dài không quá 180 chữ, khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Liên quan đến quyền lập hiến của nhân dân, điều cuối cùng của dự thảo, bên cạnh quy định cũ có thêm phương án mới: “HP được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành và phải được trưng cầu dân ý”.

Điều 1 dự thảo tiếp thu, bên cạnh cách viết cũ (tên nước là CHXHCN Việt Nam), xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước VN là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH)”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945

Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân, cho rằng VNDCCH là tên gọi gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Hồ Chủ tịch tuyên đọc ngày 2-9-1945 lịch sử. Tên gọi ấy được khẳng định trong HP 1946, 1959 và chỉ chính thức được thay đổi bởi HP 1980. Tên nước ấy gắn với hai cuộc kháng chiến, hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam và công cuộc xây dựng đất nước. Về mặt pháp lý, tính đến thời điểm này, tên gọi ấy được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.

Trở lại với VNDCCH tạo ra sức lôi cuốn, tập hợp đoàn kết dân tộc, tạo đồng thuận toàn xã hội, thuận lợi hơn trong quan hệ quốc tế, góp phần phát huy, tranh thủ các nguồn lực kiến thiết, phát triển đất nước, vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay. Trở lại với tên gọi ấy không phải là phủ nhận định hướng XHCN. Định hướng ấy nằm trong nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cả ở những nội dung cần thiết trong HP mới.

Khẳng định nền tảng đại đoàn kết dân tộc

Với nhận thức mới ấy, Điều 2 dự thảo tiếp thu cũng có thêm phương án mới, trong đó khẳng định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Diễn đạt mới này không còn phần nền tảng là liên minh giai cấp, phản ánh chính xác nhất tư tưởng chủ quyền nhân dân, không để vấn đề giai cấp ảnh hưởng tiêu cực tới sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Cũng trên tinh thần nhận thức mới về khoa học HP, bên cạnh việc làm rõ hơn trách nhiệm của Đảng, quyền giám sát của nhân dân với Đảng, khoản 1 Điều 4 dự thảo mới có thêm phương án diễn đạt khái quát, cô đọng về vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Các nội dung khác thuộc về bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng đã thể hiện đầy đủ trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các văn bản khác, không cần đưa vào HP như dự thảo hiện tại. Như thế sẽ giúp HP mới ổn định hơn, bền vững hơn, tránh phải sửa đổi 5-10 năm một lần mỗi khi văn kiện Đảng có điều chỉnh mới.

Cũng liên quan đến vấn đề Đảng trong HP, dự thảo tiếp thu ở Điều 70 về nghĩa vụ của các lực lượng vũ trang xuất hiện hai phương án mới. Một là giữ nguyên như HP hiện hành, khẳng định các lực lượng vũ trang phải trung thành, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Phương án khác có thêm chủ thể Đảng CSVN nhưng đứng sau Tổ quốc và nhân dân.

Quyền cơ bản chỉ có thể bị hạn chế bởi luật

Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng tiếp thu ý kiến đóng góp phong phú của nhân dân. Theo đó, Điều 15 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể “bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp” vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, đạo đức, sức khỏe cộng cồng và chỉ “theo quy định của luật”.

Bên cạnh đó, nhiều quyền cụ thể được thay thế đuôi “theo quy định của pháp luật” thành “theo luật định”. Chẳng hạn, Điều 22 giữ lại quy định HP hiện hành về nội dung không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, đồng thời nâng lên: “Việc bắt, giam giữ người do luật định”. Tương tự, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín (hạn chế quyền bí mật thư tín); việc khám xét chỗ ở (hạn chế quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở) cũng phải theo luật do QH ban hành chứ không phải văn bản dưới luật.

Dự thảo tiếp thu cũng làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước để các quyền cơ bản của người dân là hiện thực và khả thi. Chẳng hạn, quyền sống (Điều 21) có thêm phương án bổ sung nội dung: “Hình phạt tử hình cho đến khi chưa được bãi bỏ, chỉ được áp dụng đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do luật định”. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 26) được bổ sung: “Trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này do luật định”.

Trong các điều khoản hiến định về quyền con người, nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện rõ ràng hơn ở Điều 32 dự thảo tiếp thu: “Người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Đáng chú ý, Điều 39 dự thảo tiếp thu thể hiện sự bình đẳng của mọi người trong vấn đề hôn nhân, không phân biệt giới tính khi quy định: “Mọi người đủ tuổi do luật định có quyền kết hôn”. Từ đây mở ra khả năng xem xét, thừa nhận quyền cơ bản cho cả người đồng giới, lưỡng tính, chuyển giới.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, Điều 58 dự thảo tiếp thu không còn quy định thu hồi đất với cả “dự án phát triển KT-XH”. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc “thu hồi, bồi thường phải công khai, minh bạch, công bằng và do luật định”.

Nhiều phương án để toàn Đảng, toàn dân góp ý

Trên cơ sở báo cáo về việc tiếp thu ý kiến nhân dân đóng góp cho HP của Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP, ngày 12-4, Thường vụ QH đã họp, tham gia thêm ý kiến. Vì tính quan trọng của nó, bản dự thảo tiếp thu này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, để BCH Trung ương tại Hội nghị lần thứ 7 tới thảo luận, góp ý trước khi đưa ra QH thảo luận tiếp tại kỳ họp vào cuối tháng 5.

Tinh thần là tất cả vấn đề lớn của HP, còn ý kiến khác nhau thì Dự thảo sửa đổi HP cũng phải đưa ra các phương án khác nhau để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thảo luận cho đến khi QH quyết định, thông qua HP mới tại kỳ họp cuối năm.


Nghĩa Nhân

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Vụ nữ phó phòng lộng hành: Rất thân với chủ tịch tỉnh (12/04/2013)

>   Giật mình với thuế thu nhập của “sao” (12/04/2013)

>   Phần Lan xin lỗi vì đưa Putin vào... danh sách tội phạm (11/04/2013)

>   90 tỉ đồng... chờ lún (11/04/2013)

>   Bỏ ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân mới (11/04/2013)

>   Thóc đâu đãi gà rừng! (11/04/2013)

>   6 tỷ phú người Việt khiến dân Mỹ nể trọng (10/04/2013)

>   Mở lớp dạy CSGT...cười và xin lỗi dân (10/04/2013)

>   Ông Lê Hùng Dũng được nhiều CLB giới thiệu vào chức chủ tịch VFF (10/04/2013)

>   Phạt nguyên chủ tịch huyện Tiên Lãng 15 tháng tù treo (10/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật