Tây Ban Nha thâm hụt ngân sách nặng nhất Eurozone
Pháp không đáp ứng được mục tiêu thâm hụt ngân sách 2012 trong khi Tây Ban Nha thâm hụt nặng hơn dự báo. Tuy nhiên, sức ép lên tình hình ngân sách của hai quốc gia này có thể được xoa dịu nếu Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.
* Tình trạng suy thoái ở Eurozone vẫn gây quan ngại
* Bộ trưởng tài chính EU yêu cầu tăng cường “thắt lưng buộc bụng”
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy thâm hụt ngân sách năm 2012 của Pháp là 4.8% GDP, cao hơn mục tiêu 4.5% của nước này. Cùng kỳ, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha là 10.6% GDP, cao hơn dự báo 10.2% của Ủy ban châu Âu (EC) và cao nhất tại Eurozone. Đồng thời, mức thâm hụt này cũng cao hơn mục tiêu 7% của Chính phủ Tây Ban Nha vì Eurostat đã tính đến tác động của hoạt động tái cấp vốn ngân hàng và khoản hỗ trợ cho các tổ chức tài chính.
Hiện EC đang xem xét liệu có cho Pháp và Tây Ban Nha thêm thời gian để hạ thâm hụt ngân sách về mức trần 3% của EU, qua đó hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong lúc Eurozone vẫn đang vật lộn với năm suy thoái thứ hai liên tiếp.
Tốc độ thắt chặt tài khóa tại các nền kinh tế phát triển chính là vấn đề chủ đạo của cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng tài chính cũng như thống đốc ngân hàng trung ương G20 và các nền kinh tế mới nổi vào cuối tuần qua. Các quan chức cho biết sẽ rút lại các biện pháp cắt giảm chi tiêu – nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái sâu hơn của nền kinh tế châu Âu.
Nhìn chung, tình hình ngân sách của Eurozone khả quan hơn nhiều trong năm 2012. Tổng mức thâm hụt của 17 quốc gia thành viên là 3.7% GDP, thấp hơn so mức 6.4% trong năm 2009.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|