Thứ Bảy, 06/04/2013 15:40

Tái cơ cấu kinh tế: “Nhóm lợi ích là lực cản rất lớn”

Tham gia thảo luận khi không khí tranh luận đang nóng rực, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định lực cản rất lớn của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là sự bùng lên của các nhóm lợi ích.

Được khởi động từ ngày thứ nhất của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 đang diễn ra tại Nha Trang, các tranh luận xoay quanh chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được đẩy đến cao trào vào sáng hôm sau, 6/4.

Được khởi động từ ngày thứ nhất của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 đang diễn ra tại Nha Trang, các tranh luận xoay quanh chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được đẩy đến cao trào vào sáng 6/4.

Liên quan đến đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế mới được phê duyệt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá cho rằng nếu mặt tốt chiếm 51% là đã có thể thực hiện được, vì không có chính sách nào không có mặt trái. Ông nhấn mạnh, nếu không chấp nhận để doanh nghiệp và cả ngân hàng yếu kém “chết” đi, thì không thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát biểu lần thứ hai tại hội trường đang có mặt khoảng trên 100 vị chuyên gia và đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM nói, việc nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm đề nghị làm lại bản đề án tổng thể tuy không thực sự hoàn hảo, nhưng có lẽ là phương án tốt nhất trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí, có thể tính tới phương án thuê "tư nhân" thực hiện.

“Lây” sự sốt ruột của nhiều ý kiến, chuyên gia Lưu Bích Hồ cho rằng rất khó trao trách nhiệm tái cơ cấu nền kinh tế cho cơ quan hành pháp, khu vực mà lợi ích nhóm dễ hoành hành hơn các khu vực khác.

“Để mình Chính phủ làm là không ổn, nên trao nhiệm vụ chỉ đạo giám sát điều phối cho Quốc hội, tái cơ cấu nền kinh tế là việc đặc biệt, nên Quốc hội nên lập ra một ủy ban đặc biệt để thực hiện”, ông Hồ đề nghị.

Bày tỏ băn khoăn là “có thể ý kiến của tôi không đúng”, song vị chuyên gia cao niên tại diễn đàn nhấn mạnh rằng đây là nguyện vọng thiết tha, và ông đã suy nghĩ nhiều tháng nay.

Khác quan điểm của ông Lưu Bích Hồ, bà Phạm Chi Lan cho rằng phải đúng chức năng, còn không làm được thì “ép” phải làm, chứ không thể làm thay được.

Nhắc lại sự lãng phí thời gian được đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh khi nói về quá trình 5 năm từ khi bàn thảo đến khi ra được đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, bà Lan nhận xét, trong thời gian này, nhiều vấn đề của nền kinh tế đã nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cụ thể, không phải chỉ mấy trăm nghìn doanh nghiệp “chết” mà cả cộng đồng doanh nghiệp yếu đi, doanh nghiệp nhà nước cũng chao đảo khi mà trước đây đang tập trung vào ngành nghề cốt lõi, sau đó đầu tư tràn lan, rồi 4 năm sau lại quay về... cốt lõi.

Đặc biệt là, chính trong thời gian bỏ lỡ cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế đó, các nhóm lợi ích đã bùng lên và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Thế lực của các nhóm lợi ích đã trở nên mạnh mẽ, không phải chỉ ở riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước mà khu vực nào cũng có, và là lực cản rất lớn cho tái cơ cấu, vị nữ chuyên gia phát biểu.

Bên cạnh một cái mất là năng lực thể chế bị bào mòn đi nhiều, bà Lan cho rằng mất mát lớn nữa chính là sự hao tổn niềm tin. Không chỉ là niềm tin của xã hội với nhà nước, mà còn giữa con người với con người với nhau cũng lớn không kém, và từ đó thì công cuộc tái cơ cấu cũng không dễ đạt được khi phát động.

Cũng lường đến sự tất yếu phải trả giá trước mắt cho quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu, song theo suy xét của bà thì “trả giá lớn nhất sẽ là nhóm lợi ích còn được thì là số đông người dân”. Bởi vậy, không để mất thêm thời gian nữa, vì càng để mất mát sẽ lớn hơn.

Tán thành quan điểm của các chuyên gia nước ngoài về việc đẩy mạnh vai trò của Quốc hội trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, nữ chuyên gia nói bà thiết tha mong Quốc hội chủ động tối đa trong việc cải cách thể chế. Đồng thời, nên đề nghị Chính phủ có chương trình hành động cụ thể, chọn một số nội dung quan trọng yêu cầu Chính phủ phải làm cho bằng được.

Bà Lan cũng quan ngại có thể xảy ra việc lợi dụng tái cơ cấu để thu vén cho lợi ích cá nhân, và đề nghị Quốc hội cần giám sát thật chặt chẽ.

Thêm một lần đứng dậy, ông Cao Sỹ Kiêm nhấn lại rằng đề nghị làm lại đề án tái cơ cấu kinh tế của ông được căn cứ vào chính các ý kiến tại hội thảo, song “nói thế cho khí thế, chứ biết rằng chả ai đồng ý làm lại”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng dù có thể không làm lại, nhưng cũng không thể đơn giản là cứ thế mà làm. Đề nghị được ông Kiêm đưa ra là chuyên gia Trương Đình Tuyển cần phân tích những điểm nào chưa đạt yêu cầu, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể đề nghị Chính phủ giải trình lại những vấn đề chưa rõ trước khi triển khai.

Nguyên Thảo

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc ALC II “xơi” gần 80 tỉ đồng (06/04/2013)

>   Từ chuyện biệt thự của Thủ tướng (06/04/2013)

>   79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương (06/04/2013)

>   Tuyên phạt ông Đoàn Văn Vươn 5 năm tù (06/04/2013)

>   Tổng thống Mỹ góp 5% lương cho ngân khố (06/04/2013)

>   Chuyện kinh doanh trăm năm ở Tràng Tiền Plaza (05/04/2013)

>   Triều Tiên 'vây' khu công nghiệp chung với Hàn Quốc (05/04/2013)

>   Nhân viên ngân hàng ACB lừa đảo chiếm đoạt trên 7 tỷ đồng (05/04/2013)

>   Bà Yingluck thoát nghi vấn chuyển tiền mờ ám (05/04/2013)

>   Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Nguyễn Văn Nam bị cảnh cáo (05/04/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật