Thứ Ba, 02/04/2013 08:42

Sở hữu nhiều TPCP, ngân hàng lãi “khủng”?

Giá trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng vọt cùng với diễn biến giảm lãi suất trong năm vừa qua dẫn đến khả năng sinh lời lớn cho những ngân hàng thương mại nắm giữ nhiều trái phiếu.

Khi dòng tiền vẫn bị tắc nghẽn ở cửa tín dụng, chứng khoán đầu tư chủ yếu là TPCP đang trở thành một mảng đáng kể đóng góp vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, có ngân hàng lãi rất ít, thậm chí thua lỗ lớn ở mảng này.

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội, bốn ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MBBank là những tổ chức tham gia mua TPCP nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Báo cáo tài chính tính đến thời điểm 31/12/2012 của các ngân hàng cho thấy, Vietinbank đang nắm lượng chứng khoán nợ của Chính phủ, chủ yếu là TPCP, có giá trị 44.500 tỷ đồng sẵn sàng để bán, trong khi BIDV và MBBank cùng có danh mục TPCP sẵn sàng để bán trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.

Vietcombank chỉ có lượng TPCP sẵn sàng để bán trị giá 15.700 tỷ đồng, nhưng lượng tín phiếu mà ngân hàng này nắm giữ lên tới 43.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị nắm giữ chứng khoán nợ của Chính phủ lên 58.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng này đều để một lượng TPCP và tín phiếu trị giá một vài ngàn tỷ đồng giữ đến ngày đáo hạn.

Ngoài các ngân hàng kể trên, Agribank, Maritimebank và Techcombank cũng là những ngân hàng nằm trong Top những tổ chức mua TPCP nhiều nhất, nhưng chưa hoặc không có thông tin chi tiết về lượng chứng khoán nợ của Chính phủ mà các ngân hàng này nắm giữ đến thời điểm 31/12/2012. Báo cáo giữa năm 2012 của Techcombank cho thấy, vào thời điểm 30/6/2012, Ngân hàng chỉ nắm giữ lượng TPCP khiêm tốn là 5.700 tỷ đồng.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Hương Loan, Tổng giám đốc Ngân hàng Định chế Tài chính của Maritimebank cho biết, Ngân hàng luôn dành 15% tổng tài sản cho đầu tư TPCP, tương đương với khoảng 17.000 tỷ đồng tính theo tổng tài sản thời điểm kết thúc năm 2011. Bà Loan cho biết thêm, nếu tính theo giá thị trường tại thời điểm cuối năm 2012 thì lợi nhuận của danh mục trái phiếu tương đương với margin của hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng có lãi lớn nhờ vào lượng TPCP này hay không trước hết phụ thuộc vào mức giá mua vào. Dựa vào diễn biến lợi suất TPCP năm vừa qua, lượng trái phiếu giá thấp được gom vào thời gian nửa đầu năm 2012 hoặc quý III/2012. Trong thời gian này, BIDV và MBBank đã mạnh tay nhất trong việc tăng giá trị danh mục đầu tư, với mức tăng lần lượt là 64% và 111%. Tuy nhiên, BIDV thực hiện “chốt lãi” nhẹ vào nửa cuối năm 2012 khi giảm 7% giá trị danh mục, còn MBBank tiếp tục gom thêm TPCP, tăng thêm 68% giá trị danh mục. Vietcombank cũng tăng “khủng” giá trị danh mục lên hơn 400% trong năm 2012. Trong khi đó, Techcombank đi ngược lại xu hướng khi giảm giá trị danh mục chứng khoán nợ Chính phủ gần 58% trong nửa đầu năm 2012.

Bên cạnh đó, khả năng lãi hay không từ TPCP sẽ phụ thuộc vào việc các ngân hàng có thực hiện chốt lãi hay không. Tính đến thời điểm 31/12/2012, mức lãi danh mục chứng khoán đầu tư mới chủ yếu là mức lãi dự thu, phản ánh chênh lệch giữa lợi suất hiện tại trên thị trường và chi phí vốn của danh mục.

Trên sổ sách cho đến nay, hiệu quả đầu tư của các ngân hàng tại mảng “chứng khoán đầu tư”, bao gồm phần lớn TPCP và một phần cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức kinh tế khác, khá trái ngược nhau. Nhìn vào lãi lỗ danh mục trên báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2012, Vietinbank đang đạt hiệu quả cao nhất với lãi dự tính lên tới 517,5 tỷ đồng so với con số lỗ 497 tỷ đồng trong năm 2011. Vietcombank cũng lãi cao 226,7 tỷ đồng, tăng vọt so với con số lãi chưa đầy 50 tỷ đồng của năm trước đó. Ngược lại, MBBank chỉ đạt 1,9 tỷ đồng lãi mảng chứng khoán đầu tư, giảm mạnh so với mức 19,3 tỷ đồng năm 2011. Techcombank thậm chí lỗ 118 tỷ đồng ở mảng này sau khi lãi 410 tỷ đồng trong năm 2011.

Giá trị danh mục chứng khoán nợ của Chính phủ của các ngân hàng lớn tính đến cuối năm 2012:

Hải Linh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Doanh nhân tán gia, ly hương vì tín dụng đen (02/04/2013)

>   Lực cầu yếu thách thức tăng trưởng tín dụng (01/04/2013)

>   Cuộc chiến xử lý nợ của Vinashin: “Túm” từng đồng bạc cắc! (01/04/2013)

>   Từ KAMCO nghĩ về VAMC (01/04/2013)

>   Đau đầu vì… tiền ế (01/04/2013)

>   Thảm cảnh doanh nhân sa chân tín dụng đen (01/04/2013)

>   Kịch bản “bắt tay” đấu thầu vàng? (01/04/2013)

>   Từ 27/4, Công khai thông tin Tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt (31/03/2013)

>   Còn “đất” để hạ lãi vay xuống 10% (31/03/2013)

>   'Nên gửi tiền kỳ hạn dài khi lãi suất hạ' (31/03/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật